Số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng lần đầu sụt giảm sau gần 3 năm miệt mài tăng trưởng

Quý 1/2023 là lần đầu tiên quy mô nhân sự của ngành tài chính – ngân hàng bị thu hẹp sau 9 quý tăng trưởng liên tiếp kể từ cuối năm 2020. Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng chịu…

Fatz Admin lúc 2023-05-16
Số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lần đầu sụt giảm sau gần 3 năm miệt mài tăng trưởng

Quý 1/2023 là lần đầu tiên quy mô nhân sự của ngành tài chính – ngân hàng bị thu hẹp sau 9 quý tăng trưởng liên tiếp kể từ cuối năm 2020.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng chịu áp lực do nhu cầu sử dụng vốn vay hạn chế. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành quý đầu năm chỉ đạt 2,06%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. Theo số liệu từ VNDirect, lợi nhuận ròng quý 1 của ngành ngân hàng cũng tăng trưởng âm 2,6% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà băng đã phải cân nhắc cơ cấu lại bộ máy nhân sự của ngân hàng mẹ và các công ty con (công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm…) nhằm tiết giảm chi phí.

Tính đến cuối quý 1, tổng số nhân viên của 28 ngân hàng trên sàn chứng khoán (số liệu BCTC hợp nhất) đã giảm 1.053 người so với đầu năm, xuống còn hơn 275.084 người.  Đây là lần đầu tiên quy mô nhân sự của ngành ngân hàng bị thu hẹp sau 9 quý tăng trưởng liên tiếp kể từ cuối năm 2020 . Sự sụt giảm chủ yếu đến từ các công ty con trong khi quân số của các ngân hàng mẹ vẫn tăng nhẹ sau quý đầu năm.

QUẢNG CÁO
Số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lần đầu sụt giảm sau gần 3 năm miệt mài tăng trưởng - Ảnh 1.

*Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của các ngân hàng

Trong quý 1, VPBank là cái tên sụt giảm nhân sự mạnh nhất với số lượng nhân viên của ngân hàng mẹ và các công ty thành viên giảm đến 956 người so với đầu năm. Thời điểm 31/3, tổng số lượng nhân viên làm việc cho nhà băng này còn 28.155 người và không còn giữ được vị trí số một về quy mô nhân sự trong ngành ngân hàng trên sàn chứng khoán.

Vị trí quán quân thuộc về BIDV với số lượng nhân viên của ngân hàng mẹ và các công ty con lên đến 28.195 người vào cuối quý 1, cũng giảm 240 nhân sự so với đầu năm. Nhìn chung, xu hướng thu hẹp quy mô nhân sự còn diễn ra trên nhiều ngân hàng top đầu như VietinBank, Sacombank, HDBank, Techcombank, VIB, SHB, TPBank…

Ngược lại, Vietcombank là cái tên đáng chú ý nhất vẫn tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự. Tổng số lượng nhân viên làm việc cho ngân hàng vào cuối quý 1 đã tăng 263 người so với đầu năm, lên mức 22.862 người. Đây là số lượng nhân viên nhiều nhất vào cuối một quý của nhà băng này trong lịch sử. Ngoài ra, hoạt động mở rộng quy mô nhân sự trong quý đầu năm còn diễn ra trên một số ngân hàng vừa và nhỏ.

Số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lần đầu sụt giảm sau gần 3 năm miệt mài tăng trưởng - Ảnh 2.

*Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của các ngân hàng

Việc quy mô nhân sự của bị thu hẹp mới diễn ra trong một quý và còn quá sớm để khẳng định cho một xu hướng nào thật sự rõ ràng. Thêm nữa, quý đầu năm thường là giai đoạn thấp điểm khi các đợt tuyển dụng lớn của ngân hàng thường bắt đầu tư quý 2. Dù vậy, không thể phủ nhận quy mô nhân sự sụt giảm đã phản ánh phần nào mức độ đào thải trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Trước đó, BCTC hợp nhất quý đầu năm của các công ty chứng khoán cũng cho thấy xu hướng cắt giảm nhân sự khá rõ rệt. Nhiều CTCK top đầu đã cắt giảm hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân sự trong quý 1. Nhân sự tại các CTCK sụt mạnh nhiều khả năng đến từ sự suy giảm của đội ngũ môi giới khi thị trường chứng khoán ngày càng ảm đạm.

Số lượng nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lần đầu sụt giảm sau gần 3 năm miệt mài tăng trưởng - Ảnh 3.

*Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của các công ty chứng khoán

Công nghệ có thể sẽ thu hẹp nhu cầu sử dụng nhân sự trong ngành tài chính

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, ngân hàng vẫn giữ phong độ với các khoản chi cho nhân viên cao ngất ngưởng. Thu nhập của các nhân viên ngân hàng vẫn là con số mơ ước đối với hầu hết các lĩnh vực khác. Các khoản chi cho nhân viên thực tế là một chi phí không hề nhỏ với hầu hết các ngân hàng. Vơi nỗ lực tối ưu hiệu quả hoạt động, các ngân hàng có thể sẽ tính toán để tiết giảm chi phí này.

Bên cạnh đó, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu sử dụng nhân sự là con người ở lĩnh vực này trong tương lai. Thực tế, các ngân hàng lớn trên thế giới như Goldman Sachs, Morgan Stanley đều có kế hoạch cắt giảm lượng lớn nhân sự, thay vào đó là các khoản chi “kếch xù” cho công nghệ.

Trong hệ thống của một ngân hàng, nguồn dữ liệu rất cần thiết cho hầu hết các hoạt động, từ hình thức gửi tiền truyền thống, cho vay, tới hoạt động đầu tư và quản lý tài sản. Hiện nay, trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng đang chạy đua chuyển đổi số, đầu tư công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ quá trình thu thập và phân tích dữ liệu của người dùng… Dựa vào đó ngân hàng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, bám sát nhu cầu thực tế của khách hàng, mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích, dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Ngoài ra, các công ty dịch vụ tài chính đang cung cấp các nhà tư vấn Robot nhằm giúp khách hàng quản lý dòng tiền tốt hơn.

Hiện nay, công nghệ AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang không ngừng chuyển đổi để cung cấp mức giá trị lớn hơn cho khách hàng. Thêm nữa, công nghệ cũng góp phần giảm thiểu tối đa các rủi ro, đồng thời tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.