Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán đã qua đi, và đây là thời điểm…
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu
Trong những phiên gần đây, VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu cùng với sự phân hóa rõ ràng. Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn gây áp lực lên chỉ số thì nhóm vốn hoá vừa và nhỏ lại tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng tiền đầu tư.
Để có góc nhìn tổng quan hơn về diễn biến thị trường, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh– Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Ông đánh giá như nào về thị trường chứng khoán thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Thế Minh: Thị trường chứng khoán thời gian gần đây ghi nhận xu hướng tích cực đi lên, nhưng lại có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tôi nhận thấy, dòng tiền tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí các mã bất động sản đầu cơ cũng thu hút tiền tốt.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiếp tục đi lên trong nửa đầu tháng 5, và nhiều khả năng sẽ gặp áp lực điều chỉnh trong nửa cuối của tháng. Thanh khoản có thể có sự cải thiện, nhưng chưa ở mức cao. Dòng tiền tiếp tục tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đây chưa phải thời điểm nhóm vốn hóa lớn hút dòng tiền trở lại.
Liệu đây có phải là giai đoạn “đánh” theo dòng tiền, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Minh: Đây là giai đoạn “đánh” theo dòng tiền. Rủi ro thị trường đã giảm đi đáng kể so với năm 2022. Thời gian vừa qua, lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, FED có động thái tăng lãi suất, nhưng tăng nhẹ, và còn có khả năng cao dừng tăng lãi suất trong 6 tháng cuối năm. Thậm chí, còn có thể bơm tiền để kích thích nền kinh tế trở lại. Rủi ro lớn nhất đã qua đi, và đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cho mục tiêu dài hạn trở lại.
Có thể thấy, các rủi ro từ thế giới đã giảm, còn trong nước thì khả năng cao NHNN sẽ có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cơ bản 6 tháng cuối năm, việc này có khả năng thực thi ngay trong tháng 6.
Ngoài ra cũng có thể kỳ vọng các chính sách hỗ trợ tăng thanh khoản thị trường bất động sản sẽ gỡ khó cho bất động sản trong thời gian tới. Thị trường phải đến đầu năm 2025 mới phục hồi trở lại. Dù vậy, trước mắt thì những ách tắc dòng vốn tín dụng có thể đỡ bớt hơn so với áp lực hiện tại. Do đó, tâm lý nhà đầu tư có thể tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm. Thị trường sẽ có sự bền vững hơn, rõ ràng hơn.
Ông dự báo như nào về diễn biến khối ngoại trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thế Minh: Quý II/2023 ghi nhận động thái bán ròng nhẹ vì khối ngoại lo ngại về bất động sản, trái phiếu, nhưng 6 tháng cuối năm thì họ nhiều khả năng quay trở lại mua ròng do thị trường kỳ vọng đi lên. Thông thường với diễn biến tích cực, các ETF dễ được bơm ròng. Nhóm thứ 2 là các quỹ chủ động có khả năng trở lại mua ròng trong 6 tháng cuối năm khi các rủi ro qua đi.
Tổng thể, ảnh hưởng từ ETF và quỹ chủ động chủ động mua lại cuối năm sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.
Vậy theo ông trong giai đoạn hiện tại nhà đầu tư nên giải ngân vào nhóm ngành nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: 6 tháng cuối năm 2023 là đầu chu kỳ hồi phục của TTCK, thông thường dòng tiền có tính đầu cơ cao sẽ tập trung ở các mã giảm sâu thời điểm trước đó. Nhà đầu tư có thể lưu ý đến nhóm bất động sản với yếu tố hỗ trợ tốt mang tính chu kỳ, tâm lý nhà đầu tư, các chính sách hỗ trợ. Các nhóm còn lại mà nhà đầu tư có thể quan tâm là vận tải, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Để tích sản cổ phiếu hiệu quả, nhà đầu tư trong 6 tháng cuối năm nên tăng tỷ trọng trở lại, chấp nhận rủi ro cao hơn, nhưng không nên dùng đòn bẩy khi áp lực vẫn còn.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư