Theo chuyên gia MBS, về thời gian điều chỉnh cơ bản đủ để kết thúc nhịp xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức độ chiết khấu vẫn chưa đủ sâu để kích hoạt dòng tiền. Không nằm ngoài dự báo của giới đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…
Không nằm ngoài dự báo của giới đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed trong hơn một năm qua.
Điều thị trường quan tâm nhất là lộ trình tiếp theo của Fed sẽ như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế và bất ổn ngành ngân hàng đang bao trùm toàn bộ Phố Wall. Đặc biệt, xu hướng chính sách tiền tệ thế giới sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?
Đây có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed
Theo nhận định của ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, đợt tăng lãi suất vừa qua có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng, Fed sẽ lỏng tay hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Bởi, Fed điều hành chính sách tiền tệ dựa trên 2 yếu tố (1) lạm phát (2) tăng trưởng kinh tế. Hiện, lạm phát chưa về mức mục tiêu, song đã hạ nhiệt đáng kể xuống mức 5% so với cùng kỳ. Ông Tuấn cho rằng với mức lãi suất cho vay ở Mỹ duy trì trên 7% đủ sức để kìm lạm phát.
Trong khi đó, nền kinh tế đang gặp khó khăn khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, sức cầu tiếp tục co hẹp, thị trường lao động dù vẫn ở mức tốt song đã suy yếu hơn so với trước. Đặc biệt là những rắc rối trong ngành ngân hàng tại Mỹ thời gian gần đây cũng sẽ khiến Fed phải tính toán lại.
Với những phân tích trên, chuyên gia MBS cho rằng Fed không có lý do phải tăng lãi suất. Dù vậy, Fed vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện tại để lạm phát trở về mục tiêu. Ông Tuấn cho rằng điểm đảo chiều chính sách tiền tệ đang ở rất gần, song ít nhất phải đến cuối năm nay mới có thể kỳ vọng hạ lãi suất.
Vị chuyên gia cho rằng động thái hạ lãi suất trước Fed cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tầm nhìn trước về xu hướng đảo chiều chính sách toàn cầu sắp tới, chứ không phải chúng ta đi ngược với thế giới. Bên cạnh đó, lạm phát và tỷ giá của Việt Nam duy trì ổn định cũng là chất xúc tác quan trọng giúp NHNN nới lỏng chính sách.
Kinh tế trưởng MBS dự báo, sắp tới NHNN có thể sẽ tiếp tục có cơ hội để nới lỏng hơn chính sách tiền tệ thêm nữa. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cần một khoảng thời gian để quan sát thêm về mặt bằng lãi suất và lạm phát tại Mỹ trước khi đưa động thái tiếp theo.
Thị trường cần thêm nhịp điều chỉnh để thu hút dòng tiền
Bàn về tác động của chính sách tiền tệ đến TTCK, chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt Nam có sự đồng pha với chứng khoán Mỹ. Sau thời gian phục hồi tốt từ đáy, chứng khoán Mỹ có phần “ngập ngừng”, chưa thể vượt cản trước ngưỡng 34.000 điểm.
Nguyên nhân do mặt bằng lãi suất khó có “cửa” tăng thêm đã được phản ánh vào thị trường, song để thị trường bứt phá hơn nữa thì lãi suất cần đi xuống. Tuy nhiên, quá trình lãi suất tạo đỉnh rất lâu vì lạm phát cần thời gian để về mức mục tiêu 2%, mặt khác thị trường lao động vẫn trong trạng thái “khoẻ” khiến Fed chưa có lý do để hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, định giá của chứng khoán Mỹ cũng không còn quá rẻ sau đợt hồi phục trước đó. Do đó, ông Tuấn cho rằng chứng khoán Mỹ vẫn sẽ dao động trong biên độ hẹp từ đây đến cuối năm, cho đến khi Fed có những tín hiệu rõ ràng hơn.
Tương tự, chứng khoán Việt Nam cũng lình xình trong biên hẹp 1.020 -1.080 điểm. Dù lãi suất đã tạo đỉnh và có khả năng giảm hơn nữa trong tương lai, nhưng vị chuyên gia cho rằng vẫn chưa đủ xung lực để thị trường bứt phá khi dòng tiền vẫn “tắc” và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trong ngắn hạn, chuyên gia MBS cho rằng thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh thứ cấp. Cần hai yếu tố để xác định nhịp điều chỉnh này kết thúc là thời gian và mức độ chiết khấu.
Về thời gian điều chỉnh đến nay là 3-4 tuần, cơ bản đủ để kết thúc nhịp xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức độ chiết khấu vẫn chưa đủ sâu, thị trường vẫn đang chờ một nhịp điều chỉnh để kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Đặc biệt, một mã số cổ phiếu bất động sản vẫn còn khá cao so với đỉnh, nhịp “rung rũ” của nhóm này có thể là tín hiệu cuối cùng cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn sắp kết thúc.
Về chiến lược hành động, chuyên gia khuyến nghị NĐT vẫn nắm giữ cổ phiếu tốt, chờ đợi thời điểm gần cuối năm khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp có sự cải thiện.
“Thị trường lình xình, nhiều người băn khoăn có nên tham gia thời điểm này không. Tôi cho rằng đây là thời thời điểm nhà đầu tư cần phải tham gia. Bởi chúng ta không thể biết bao giờ thị trường sẽ kết thúc xu hướng tích luỹ đi ngang và bật tăng mạnh. Nếu đứng ngoài quá lâu, NĐT sẽ có tâm lý dè dặt khi xuống tiền và chỉ cần trễ một vài tháng sẽ mất rất nhiều cơ hội”, ông Hoàng Công Tuấn nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường