‘Phí cà thẻ’, đúng hay sai?

(KTSG) – Hiện nay, thanh toán bằng các hình thức không sử dụng tiền mặt gần như đã rất phổ biến trong hầu hết các giao dịch. So với một số phương thức thanh toán điện tử khác, thanh toán bằng thẻ ngân hàng thông qua máy cà thẻ vẫn…

Fatz Admin lúc 2023-04-11

(KTSG) – Hiện nay, thanh toán bằng các hình thức không sử dụng tiền mặt gần như đã rất phổ biến trong hầu hết các giao dịch. So với một số phương thức thanh toán điện tử khác, thanh toán bằng thẻ ngân hàng thông qua máy cà thẻ vẫn là sự lựa chọn chủ yếu của nhiều chủ thể, đặc biệt từ phía người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán, sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng hiện tại đang thực hiện thu khoản “phí quẹt thẻ” đối với những giao dịch thanh toán thông qua thẻ ngân hàng tạo ra nhiều thắc mắc đối với người tiêu dùng về khoản phí này. “Phí quẹt thẻ” theo quy định của pháp luật Việt Nam như thế nào?

Hầu hết các ngân hàng sẽ cung cấp miễn phí thiết bị chấp nhận thẻ cho các cửa hàng sử dụng dịch vụ thanh toán thẻ của ngân hàng đó.
Ảnh: T.L

Chị X là một tín đồ làm đẹp và thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán phí dịch vụ tại các thẩm mỹ viện. Thông thường khi thực hiện thanh toán, chị X luôn kiểm tra lại xem số tiền bị trừ trong thẻ có đúng bằng phí dịch vụ hay không. Tuy nhiên, một lần đến trải nghiệm tại thẩm mỹ viện Y, chị X lại sơ suất quên kiểm tra và chỉ phát hiện khoản tiền đã thanh toán nhiều hơn so với gói dịch vụ chị làm vài ngày sau đó. Khi phát hiện sai sót này, chị X đã nhanh chóng liên hệ với thẩm mỹ viện Y và được thông báo khoản phí phát sinh thêm là “phí quẹt thẻ” vì chị đã chọn hình thức thanh toán thông qua thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Chị X đã rất bất ngờ với phản hồi của thẩm mỹ viện Y vì trước giờ chưa từng nghe về khoản phí này và số tiền phải trả thêm cũng không nhỏ.

Thiết bị chấp nhận thẻ

QUẢNG CÁO

Thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán bao gồm Point of Sale (viết tắt là POS), Mobile Point of Sale (viết tắt là mPOS) và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác là các loại thiết bị đọc thẻ, thiết bị đầu cuối được cài đặt và sử dụng tại các cửa hàng mà chủ thẻ có thể sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, theo Thông tư 19(1).

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng sẽ cung cấp miễn phí thiết bị chấp nhận thẻ cho các cửa hàng sử dụng dịch vụ thanh toán thẻ của ngân hàng đó. Đối với một số cửa hàng nhỏ không đủ kinh phí để sử dụng dịch vụ thẻ hoặc các trường hợp chỉ có nhu cầu sử dụng ngắn hạn để nhận thanh toán tại các hội chợ, sự kiện thì phương án thuê thiết bị chấp nhận thẻ trở thành phương án tối ưu và được lựa chọn.

Quy định của pháp luật Việt Nam về thanh toán thẻ tại cửa hàng

Để có thể nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ, các cửa hàng cần ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài (“Tổ chức chấp nhận thẻ”) được thực hiện thanh toán thẻ theo quy định của pháp luật(2). Theo đó, hợp đồng thanh toán thẻ là thỏa thuận giữa Tổ chức chấp nhận thẻ với các cửa hàng hoặc với tổ chức thẻ quốc tế(3), tổ chức chuyển mạch thẻ(4) (nếu có) về việc chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ(5).

Sau khi đã giao kết hợp đồng thanh toán thẻ, các cửa hàng có nghĩa vụ phải tuân thủ đúng nội dung hợp đồng đã ký kết và có quyền yêu cầu Tổ chức chấp nhận thẻ tra soát, khiếu nại đối với những giao dịch có sai sót hoặc nghi ngờ có sai sót và được yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật(6).

Thông thường đối với mỗi giao dịch thanh toán bằng thẻ thông qua máy POS, cửa hàng sẽ phải trả một khoản phí cho Tổ chức chấp nhận thẻ(7). Khoản phí này sẽ khác nhau ở mỗi tổ chức và thông thường dao động từ dưới 1% đến 2% trên mỗi giao dịch thanh toán bằng thẻ nội địa và từ 2% đến 3% khi thanh toán bằng thẻ quốc tế.

Cửa hàng chuyển trách nhiệm trả phí thẻ sang khách hàng

Việc phải thanh toán khoản phí quẹt thẻ phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của các cửa hàng nên nhiều nơi đã nghĩ ra phương án chuyển trách nhiệm thanh toán khoản phí này cho khách hàng thông qua thu “phí quẹt thẻ”.

Tuy nhiên, về bản chất khoản “phí quẹt thẻ” nói trên là khoản phụ phí làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ khi thanh toán bằng thẻ so với phương thức thanh toán tiền mặt. Cần biết rằng, pháp luật có quy định cấm các cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ thực hiện phụ thu phí hoặc phân biệt giá khi khách hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ(8). Các cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ có nghĩa vụ phải niêm yết công khai về việc không có sự phân biệt hay thu phụ phí đối với các giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ so với thanh toán bằng tiền mặt(9).

Việc thực hiện thu phụ phí hay phân biệt giá đối với những khách hàng sử dụng thẻ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 50 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 100 triệu đồng (đối với tổ chức) nếu hành vi vi phạm bị phát hiện(10). Ngoài việc bị phạt tiền, các cửa hàng vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số tiền thu bất hợp pháp và/hoặc không được ký hợp đồng thanh toán với các tổ chức thanh toán thẻ khác trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm(11).

Có thể thấy trong tình huống của chị X thì thẩm mỹ viện Y đã có hành vi trái pháp luật khi thực hiện phụ thu “phí quẹt thẻ” đối với chị X. Việc phụ thu khoản phí này đã làm giá hàng hóa, dịch vụ bị đẩy lên cao hơn so với giá gốc khiến khách hàng e ngại, không còn muốn sử dụng hình thức thanh toán thẻ mà thay vào đó lựa chọn trả tiền mặt để không phải mất thêm tiền cho khoản “phí quẹt thẻ”. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với Chỉ thị 22/CT-TTg của thủ tướng Chính Phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong trường hợp này, chị X hoàn toàn có thể yêu cầu thẩm mỹ viện Y hoàn trả lại khoản phí quẹt thẻ đã phụ thu và báo cáo hành vi sai phạm của thẩm mỹ viện Y với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định khá rõ ràng về việc xử phạt đối với hành vi thu “phí quẹt thẻ” nhưng trên thực tế tình trạng trên vẫn còn xảy ra tương đối nhiều do một số khó khăn đến từ khả năng kiểm soát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và sự thiếu hiểu biết quy định pháp luật của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý về vấn đề này để tránh bị mất tiền oan khi mua sắm và sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng.

(*) Công ty Luật Apolat

(1) Điều 3.21 Thông tư 19/2016/TT-NHNN

(2) Điều 3.18 Thông tư 19

(3) Điều 1.1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN

(4) Điều 3.16 Thông tư 19

(5), (6), (7), (8), (9), (10) Điều 23.3; điều 5.2 (c); khoản 3 điều 8; điều 23.1; điều 28.5 (b)TT-NHNN

(11) Điều 1.17 Nghị định 143/2021/NĐ-CP

Lê Trình Anh Thư (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.