Hầu hết hiệu suất của các quỹ đầu tư lớn ghi nhận mức dương trong quý 1, tuy nhiên thống kê cho thấy con số không quá cao, thậm chí một số tên tuổi lớn gây chú ý với mức tăng quá thấp so với thời gian trước. VN-Index đảo…
VN-Index đảo chiều hồi phục gần 4% trong tháng 3 và khép lại quý đầu tiên của năm 2023 với chuỗi 9 phiên cuối tăng điểm liên tiếp. Nhìn chung cả 3 tháng đầu năm, VN-Index tăng hơn 5,7% so với đầu năm. Nhiều cổ phiếu tăng điểm tốt từ đáy đã giúp hiệu suất của hầu hết các quỹ đầu tư lớn được cải thiện đáng kể.
Nổi bật nhất là SSIAM VNFinlead ETF đạt hiệu suất tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, xấp xỉ 13%, cao nhất trong số 14 tổ chức được thống kê. SSIAM VNFinlead ETF sử dụng chỉ số tham chiếu là VNFinLead Index – nơi có đến 90% là cổ phiếu ngân hàng. Quý 1 ghi nhận bối cảnh thị trường đầy nhiễu động nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí một số cái tên còn âm thầm trở lại đỉnh lịch sử cũ đã giúp hiệu suất quỹ ETF này bứt phá ngoạn mục. Nhiều tháng trước đó quỹ ETF này liên tục có mức hiệu suất rất thấp, âm hàng chục phần trăm.
Nhóm các quỹ ETF chỉ ghi nhận thêm VN30 ETF chiến thắng thị trường. Trong khi đó, các cái tên còn lại dù vẫn ghi nhận hiệu suất dương song thấp hơn đáng kể so với mức tăng của VN-Index như FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF và VNM ETF. “Tân binh” VNMidcap ETF có mức hiệu suất chỉ 0,15%.
Đáng chú ý, “thỏi nam châm” hút vốn Diamond ETF chỉ ghi nhận hiệu suất vỏn vẹn 0,33% trong quý 1, mức hiệu suất gần thấp nhất trong danh sách thống kê. Nguyên nhân một phần do chịu ảnh hưởng bởi diễn biến không mấy tích cực của những “viên kim cương” lớn như PNJ hay MWG. Ngoài ra, sự hấp dẫn của Diamond ETF đang dần hạ nhiệt khi dòng vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan vào chứng chỉ lưu ký – DR của VNDiamond ETF chậm lại.
Tại nhóm quỹ chủ động,
Pyn Elite Fund đạt hiệu suất tăng trưởng xấp xỉ 6,4%. Top tỷ trọng cao trong danh mục của quỹ hiện gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG, STB, TPB, MBB và chứng chỉ quỹ mô phỏng nhóm tài chính VNFinLead. Điều này góp phần giúp quỹ ngoại đến từ Phần Lan đạt được hiệu suất khả quan.
Với VEIL Dragon Capital, hiệu suất quỹ đạt gần 5,5% sau 3 tháng. Diễn biến kém sắc của MWG – cổ phiếu chiếm tỷ trọng hàng đầu trong danh mục đã phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của quỹ so với thị trường chung.
Trong khi đó, việc nắm giữ trái phiếu, tiền gửi trong danh mục cũng đã tác động đến hiệu suất của DCDS và VOF VinaCapital trong tháng vừa qua, mức hiệu suất lần lượt đạt 3,53% và 1,43%.
Còn lại các quỹ chủ động khác như JPMorgan VOF, Lion Global Vietnam Fund, KIM Vietnam Korea cũng đều có hiệu suất kém hơn so với 2 chỉ số VN-Index và VN30, dù vẫn dương.
Những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn khó khăn
Dù không nhiều quỹ chiến thắng được thị trường trong quý 1, nhưng sau năm 2022 đầy sóng gió, bước khởi đầu đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động đầu tư của các “cá mập” trên thị trường.
Hiện triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan, minh chứng là việc các quỹ ETF liên tục hút tiền rất mạnh thời gian gần đây. Giữa tháng 3, thị trường ghi nhận Fubon ETF bắt đầu đợt huy động bổ sung lần thứ 5 với số tiền được phê duyệt là 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương ứng rót khoảng 4.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam. Tính tới hiện tại, quỹ đã giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, như vậy sẽ còn khoảng 2.500 tỷ đồng sẽ được huy động thêm trong tháng 4 tới đây.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong khoảng 6 tháng trở lại đây cho thấy Việt Nam đang rất hấp dẫn trong tương quan so sánh về mặt định giá với các thị trường khác trong khu vực. Ngoài ra, với kỳ vọng xu hướng hạ lãi suất, bắt đầu từ cuối tháng 1 cho đến nay, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi mà các yếu tố gây áp lực như lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN, KBSV kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính giúp định giá chỉ số VN-Index được cải thiện từ nay đến cuối năm.
Theo đánh giá của ông Petri Deryng – nhà sáng lập và quản lý Pyn Elite Fund, tỷ lệ P/S (giá/doanh thu) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 1,2 – con số khiêm tốn với sự tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo Pyn Elite Fund, lo ngại của giới đầu tư về lãi suất chính là nút thắt tháo gỡ cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt. Kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lãi suất sẽ giảm xuống. Quỹ ngoại này kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục với lãi suất tiền gửi trở lại mức bình thường hơn ở mức khoảng 5–6% vào quý 3 tới.
“T
ốc độ phục hồi trong tương lai được quyết định bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản thị trường, lãi suất và sự giảm dần tác động của các nguồn yếu tố gây bất ổn”,
người đứng đầu quỹ Pyn Elite nhận định.
Nhịp Sống Thị Trường