(KTSG) – Trong bối cảnh một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang gặp vấn đề, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và có thể lây lan sang các khu vực khác, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang được quan tâm rất…
(KTSG) – Trong bối cảnh một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang gặp vấn đề, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và có thể lây lan sang các khu vực khác, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang được quan tâm rất nhiều. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 33/2023 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó, bổ sung vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) dự án luật này. Những thay đổi nào trong dự thảo luật là đáng chú ý?
Kiểm soát sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng
Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế, từng bước được kiểm soát. Cụ thể, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau nay đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp giảm, đến nay chỉ còn tại một ngân hàng với một cấp sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là việc các cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối và thao túng hoạt động của ngân hàng vẫn còn đâu đó tại một số ngân hàng, mà khi nhắc đến tên ngân hàng đó người ta đồng thời cũng có thể nghĩ ngay đến một ông/ bà chủ thật sự đứng phía sau, cùng với một loạt công ty nằm chung trong hệ sinh thái.
Có lẽ nhiều người còn nhớ hồi đầu tháng 10-2022, khi chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn bất động sản lớn phía Nam bị bắt, ngay lập tức người dân đổ xô đến rút tiền tại một ngân hàng được cho là có liên quan, dù thông cáo từ ngân hàng này tuyên bố tập đoàn trên không phải cổ đông của ngân hàng, còn nhân sự bị bắt giữ cũng không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại ngân hàng. Dù vậy, những diễn biến tiêu cực sau đó khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát đặc biệt.
Với quy định sửa đổi vừa giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông/nhóm cổ đông lớn, vừa giảm tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn tự có cho khách hàng/nhóm khách hàng, kỳ vọng có thể giảm bớt những hành vi thao túng hoạt động của ngân hàng chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho công ty sân sau của các cổ đông chi phối.
Chính vì vậy, trong những kỳ họp gần đây, không ít đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến lo ngại về tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, có nguy cơ gây bất ổn hoạt động hệ thống dù chủ trương kiểm soát tình trạng này đã có và thực hiện nhiều năm. Trong khi đó, NHNN cũng nhất quán quan điểm khi cho biết bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các TCTD xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, cơ quan này tiếp tục nhận diện, có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với cơ cấu lại TCTD.
Mới đây, NHNN đã soạn thảo dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và lấy ý kiến. Trong đó, điểm thay đổi quan trọng thu hút sự chú ý là quy định một cá nhân không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ của một TCTD (quy định hiện nay là 5%); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông/nhóm cổ đông lớn được cho là nhằm giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực, quyền tự quyết quá lớn tập trung vào một ông/bà chủ nào đó, từ đó hạn chế các hành vi thao túng hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.
Dù vậy, với cơ cấu cổ đông phân tán hơn, một số ý kiến cũng lo ngại điều này có thể ảnh hưởng lên hoạt động của các ngân hàng, tác động lên sự tăng trưởng và quyền sở hữu bị phân tán hơn có thể khiến động lực, mục tiêu phát triển của các ngân hàng bị chia rẽ. Nhìn vào trường hợp những năm gần đây có ngân hàng không thể tổ chức được cuộc họp đại hội đồng cổ đông vì các nhóm cổ đông lớn không đạt được sự đồng thuận, tranh giành quyền kiểm soát, lo ngại trên không phải là thiếu cơ sở.
Siết cho vay sân sau
Bên cạnh việc kiểm soát sở hữu chéo và các hành vi thao túng hoạt động ngân hàng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cũng đưa ra những quy định điều chỉnh được cho là nhằm siết cho vay sân sau đối với các ông/bà chủ, cổ đông nắm quyền chi phối tại các ngân hàng.
Thực trạng này ai cũng biết đã tồn tại nhiều năm qua, các vụ án xét xử vi phạm tại một số ngân hàng cũng cho thấy rõ điều này, tuy nhiên việc kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý vẫn gặp không ít khó khăn.
Do đó, để hạn chế dòng vốn của ngân hàng rót vào những công ty sân sau của các cổ đông lớn, quy định mới đề xuất dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng giảm từ mức 15% như quy định hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, giảm so với quy định hiện hành là 25%.
Rõ ràng với quy mô vốn tự có của các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong những năm qua, nhờ liên tiếp tăng vốn điều lệ, cũng như liên tục phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2, nếu vẫn duy trì tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng như từ trước đến nay thì lượng vốn cho vay ra đối với một khách hàng/nhóm khách hàng sẽ rất lớn, từ đó có thể mang lại những rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng khi dư nợ tập trung quá lớn vào một số nhóm khách hàng.
Chính vì vậy, có lẽ việc giảm tỷ lệ như trên là phù hợp với tình hình mới nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, với quy định sửa đổi vừa giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông/nhóm cổ đông lớn, vừa giảm tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn tự có cho khách hàng/nhóm khách hàng, kỳ vọng có thể giảm bớt những hành vi thao túng hoạt động của ngân hàng chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho công ty sân sau của các cổ đông chi phối như đã nói.
Dĩ nhiên cũng có những nhóm khách hàng có thể hoàn toàn không liên quan gì đến các công ty trong hệ sinh thái của các ông/bà chủ hay cổ đông lớn của ngân hàng. Đó có thể là những doanh nghiệp nhà nước lớn hay một số tập đoàn tư nhân khổng lồ, từ trước đến nay là khách hàng quen thuộc của một số ngân hàng và được tiếp cận những cơ chế ưu đãi, nguồn vốn tài trợ rộng mở từ các ngân hàng. Sắp tới, nếu các quy định mới này được thông qua, các doanh nghiệp này có thể phải sớm xoay xở nguồn vốn để giảm bớt dư nợ tại ngân hàng quen thuộc nếu tỷ lệ vốn vay so với vốn tự có của ngân hàng đó đang vượt quá mức so với quy định. Điều này có thể đặt các doanh nghiệp này trước những thách thức trong việc tìm kiếm nguồn vốn khác tài trợ cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều hạn chế.
Dù vậy, nhìn vào thực tế vừa qua, có thể thấy một số tập đoàn bất động sản lớn có tỷ lệ vay nợ khá lớn tại một số ngân hàng nhất định, và khi các tập đoàn này bị tắc nghẽn dòng tiền, mất khả năng thanh toán, cũng có thể mang lại những rủi ro và tác động tiêu cực lên hoạt động của các ngân hàng.
Kinh tế Sài Gòn Online