Những người đầu cơ vàng đang hoạt động tích cực trở lại với hy vọng rằng đà tăng ngắn hạn của kim loại quý này sau vụ phá sản ngân hàng Silicon Valley (SVB) có thể chuyển thành một đợt tăng giá dài hạn. Giá vàng giao ngay trên thị…
Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã tăng mạnh vào thứ Hai (13/3) sau khi các nhà quản lý nước Mỹ ban hành một loạt biện pháp khẩn cấp sau vụ sụp đổ ngân hàng SVB và ngân hàng Signature ở New York.
Giá vàng kết thúc phiên 13/3 ở mức 1.913,24 USD/ounce, tăng 4,5% kể từ kể từ lúc kết thúc phiên 9/3 để chạm mức cao gần nhất trong năm nay, chỉ thấp hơn mức 1.959,60 USD đạt tới vào ngày 2/2.
Kể từ đó, giá vàng liên tục dao động, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn luôn duy trì trên ngưỡng 1.900 USD.
Giá vàng trong 1 tuần qua.
Thị trường đang dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 này để làm dịu lo ngại của thị trường về sự cố của lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng chừng nào những nguy cơ vụ SVB lây lan vẫn còn đó thì rủi ro về suy thoái vẫn gia tăng, và các tài sản trú ẩn an toàn vẫn thu hút mọi người.
Đợt tăng giá này được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư mua mạnh quỹ Exchange Traded Funds (ETF) vàng. Với động lực mạnh mẽ đó, SPDR Gold Trust báo cáo rằng lượng vàng họ nắm giữ đã tăng 1,31% hôm 13/3 lên 913,27 tấn, so với 901,42 tấn hôm 10/3. Con số đó tương đương 29,03 triệu ounce. Nhưng điều đáng chú ý là lượng vàng SPDR nắm giữ có xu hướng giảm kể từ tháng 4 năm ngoái, khi đạt đỉnh 35,58 triệu ounce.
Câu hỏi lớn hơn đối với thị trường vàng lúc này là liệu những lo ngại về sự lây lan rộng hơn trên thị trường tài chính Mỹ có tiếp tục không? Hay liệu các hành động của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và động thái của Tổng thống Joe Biden nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi sẽ ngăn chặn sự lây lan đó.
Ngay cả khi thị trường được trấn an rằng vấn đề vỡ nợ chỉ giới hạn ở hai ngân hàng, vẫn có thể có những tác động tích cực đối với giá vàng.
Bất kỳ gợi ý nào về việc Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại đều có thể là một yếu tố tích cực trong dài hạn đối với vàng, đặc biệt nếu điều này xảy ra trước khi thị trường tự tin rằng lạm phát cao đã được kiểm soát.
Cho đến nay, có vẻ như vàng một lần nữa hoàn thành vai trò truyền thống của mình là nơi trú ẩn an toàn trước sự biến động và rủi ro, nhưng có lẽ còn quá sớm để nói rằng lực mua hiện tại sẽ còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, khả năng phân nhánh của sự sụp đổ ngân hàng là tích cực đối với vàng, vốn đã được hỗ trợ bởi các yếu tố tăng giá khác.
Nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ
Trong số những yếu tố khác đó, trước tiên phải kể tới kỳ vọng rằng nhu cầu vàng vật chất dự báo sẽ phục hồi ở Trung Quốc – thị trường theo truyền thống là nơi tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi từ bỏ các chính sách nghiêm ngặt liên quan đến Zero COVID – vốn đã làm giảm tốc độ tăng trưởng vào năm ngoái, và có khả năng một số nhu cầu bị dồn nén đối với đồ trang sức bằng vàng, vàng thỏi và tiền xu sẽ tạo ra nhu cầu tăng.
Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc giảm 14%, tương đương 101 tấn, xuống còn 598,3 tấn vào năm 2022, theo dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới.
Điều này có nghĩa là nhu cầu trang sức của Trung Quốc giảm xuống dưới mức của Ấn Độ, nơi có nhu cầu 600,4 tấn vào năm 2022, giảm 2% so với năm trước.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, nhu cầu trang sức của Ấn Độ vượt nhu cầu của Trung Quốc, cho thấy có nhiều mặt tích cực nếu kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trở thành hiện thực.
Triển vọng của Ấn Độ cũng khá lạc quan khi nền kinh tế của nước này tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tổng sản phẩm quốc nội dự kiến sẽ tăng 7% trong năm tài chính 2022-2023 hiện tại – kết thúc vào ngày 31 tháng 3.
Trung Quốc và Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong thị trường trang sức vàng vật chất, chiếm khoảng 2/3 tổng nhu cầu trên toàn cầu trong năm 2022, với thị trường lớn tiếp theo là Mỹ, nơi có nhu cầu vàng trang sức là 143,7 tấn vào năm ngoái.
Đó là chưa kể lượng vàng Ngân hàng trung ương mua vào, đã tăng mạnh 152% vào năm 2022 lên 1.135,7 tấn.
Nhu cầu vàng của thế giới năm 2022 gần đạt mức kỷ lục của năm 2011.
Khó có thể dự đoán xu hướng này có tiếp tục hay không, vì một số ‘người chơi’ lớn nhất trong lĩnh vực này, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga, đưa ra rất ít hoặc thậm chí không đưa ra bình luận công khai nào về ý định của họ.
Nhìn chung, các rủi ro đối với vàng nghiêng về phía tăng giá khi giả định rằng các nhà đầu tư quay trở lại với vàng như một hàng rào chống lại rủi ro và lạm phát, Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất của họ và hoạt động mua của ngân hàng trung ương cũng tăng lên.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường