Thiếu vắng doanh nghiệp mới niêm yết, chứng khoán Việt Nam “lặng sóng”

Trong quá khứ, những con sóng thần của chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với làn sóng các “bom tấn” IPO lên sàn bên cạnh việc tham gia các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng. Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 22 năm, thị trường chứng…

Fatz Admin lúc 2023-03-14
Thiếu vắng doanh nghiệp mới niêm yết, chứng khoán Việt Nam "lặng sóng"

Trong quá khứ, những con sóng thần của chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với làn sóng các “bom tấn” IPO lên sàn bên cạnh việc tham gia các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng.

Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 22 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua không ít đợt sóng thần đẩy VN-Index tăng chóng mặt. Dù bối cảnh khác nhau nhưng những lần nổi sóng thực sự trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của làn sóng ồ ạt các “bom tấn” IPO lên sàn chứng khoán.

Thiếu vắng doanh nghiệp mới niêm yết, chứng khoán Việt Nam lặng sóng - Ảnh 1.

Giai đoạn 2006-07: Lần đầu lên đỉnh, doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn

Từ mức 300 điểm vào đầu năm 2006, VN-Index đã tăng một mạch gấp gần 4 lần sau hơn một năm và có lần đầu lập đỉnh lịch sử vào tháng 3/2007. Động lực tăng trưởng trong giai đoạn này bên cạnh câu chuyện Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) còn đến từ làn sóng các doanh nghiệp “đổ bộ” lên sàn chứng khoán vốn dĩ còn non trẻ.

QUẢNG CÁO

Chỉ trong 2 năm, HoSE đã đón thêm hơn 100 cổ phiếu mới trong đó có hàng loạt “tên tuổi” như Vingroup (VIC), FPT, Nhựa Bình Minh (BMP), PV Drilling (PVD), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Khoáng sản Bình Định (BMC), Sudico (SJS), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), SSI,… Hầu hết các cổ phiếu từng có thị giá cao “ngất ngưởng” đều lập kỷ lục trong khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, động lực thúc đẩy thị trưởng giai đoạn đó còn đến từ làn sóng thoái vốn, cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, điển hình là các thương vụ cổ phần hoá của Bảo Việt, PVFC, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank… Đặc biệt, thương vụ của Vietcombank còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn và được giới đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm.

Năm 2009: Sóng hồi mạnh mẽ, thêm nhiều doanh nghiệp mới trên sàn chứng khoán

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam được đẩy lên mức không tưởng (P/E 4x lần theo Bloomberg). Một cú lao dốc thời điểm đó là điều khó tránh khỏi. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cùng chính sách tiền tệ thắt chặt do áp lực lạm phát đã góp phần nhấn chìm thị trường.

Từ đáy tháng 2/2009, VN-Index quay đầu tăng gấp 2,5 lần chỉ sau khoảng nửa năm, ghi dấu một trong những sóng hồi kinh điển nhất trong lịch sử. Khoảng thời gian này cũng chứng kiến nhiều “hàng khủng” lên sàn có thể kể đến như Masan (MSN), Bảo Việt (BVH), Xây lắp Dầu khí (PVX)… hay một loạt ngân hàng như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), SHB, Eximbank (EIB).

Sóng hồi kết thúc khi không còn các “hàng mới” chất lượng lên sàn dù năm 2010 ghi nhận số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt kỷ lục. Thị trường chứng khoán gần như không có con sóng nào thực sự đáng kể trong khoảng nửa thập kỷ sau đó. Hoạt động niêm yết, lên sàn của các doanh nghiệp cũng trầm lắng hơn khi chỉ có một vài thương vụ đáng chú ý của MB (MBB), PV Gas (GAS), BIDV.

Giai đoạn 2015-18: Trở lại đỉnh lịch sử với loạt doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân lớn lên sàn, bán vốn

Mất đến 11 năm sau lần đầu lập đỉnh, VN-Index mới trở lại đỉnh cũ sau con sóng kéo dài hơn 2 năm với động lực đến từ những thương vụ IPO “đình đám” giai đoạn 2015-18. Bên cạnh các doanh nghiệp dầu khí có vốn Nhà nước như Petrolimex (PLX), PV Power (POW), PV Oil (OIL), Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), nhóm tư nhân với các “bom tấn” như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), VPBank (VPB),… cũng để lại dấu ấn đậm nét.

Thêm nữa, giai đoạn này còn chứng kiến bước ngoặt với sự ra đời Quyết định 51/2014/QĐ-CP. DNNN sau cổ phần hóa bắt buộc phải lên sàn chứng khoán đã tạo ra một làn sóng hàng hoá mới, trong đó có nhiều “tên tuổi” đáng chú ý như Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), DAP – Vinachem (DDV), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN)…

Sự xuất hiện của nhiều “hàng hóa” chất lượng đã thu hút dòng tiền mạnh đổ vào thị trường chứng khoáng trong giai đoạn 2015 – 2018. Trong đó, những thương vụ bán vốn kỷ lục đã xuất hiện trong giai đoạn này như thương vụ IPO đình đám của Vinhomes thu về 1,35 tỷ USD hay thương vụ bán vốn kỷ lục tại Sabeco giúp Nhà nước thu về hơn 5 tỷ USD.

Sau khi con sóng thần qua đi, các thương vụ IPO cũng ngày càng “thưa thớt”, thị trường trở nên đầy ảm đạm trong năm 2019 trước khi sự kiện “thiên nga đen” mang tên Covid-19 thay đổi tất cả.

Giai đoạn 2020-21: Liên tục lập đỉnh mới với “sóng” cổ phiếu ngân hàng mới

Sau khi xuống đáy Covid vào cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục đầy mạnh mẽ và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất. VN-Index không ngừng bứt phá qua đó vượt đỉnh lịch sử, thậm chí còn liên tục xác lập những đỉnh cao mới. Động lực chủ yếu thúc đẩy thị trường giai đoạn này đến từ làn sóng nhà đầu tư mới với dòng tiền dồi dào nhờ môi trường lãi suất thấp.

Dù vậy, không thể bỏ qua làn sóng đổ bộ của các ngân hàng lên sàn chứng khoán theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Với đặc thù P/E thấp, sự xuất hiện của một loạt cổ phiếu ngân hàng đã góp phần kéo định giá thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên rẻ hơn một cách tương đối qua đó dễ dàng thu hút dòng tiền mới.

Lần lượt Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Nam Á (NAB), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB), MaritimeBank (mã MSB), Ngân hàng Việt Á (VAB)… đều lên giao dịch trên UpCOM trong giai đoạn 2020-21. Ngân hàng Phương Đông (OCB), SeABank (SSB) niêm yết lần đầu trong khi LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng chuyển sàn sang HoSE.

Không còn nhiều cái tên đáng chờ đợi

Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra rất ảm đạm. Những cái tên niêm yết đáng chú ý như Gelex Electric (GEE), Gỗ An Cường (ACG) hay “ông lớn” ngành điện EVNGENCO 3 (PGV), Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) chuyển sàn từ UpCOM sang HoSE đều không tạo ra được hiệu ứng nào thực sự rõ rệt.

Hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn đều có kết quả rất hạn chế những năm gần đây. Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Những doanh nghiệp chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn phần lớn có quy mô nhỏ tại các địa phương. Những cái tên thực sự được nhà đầu tư quan tâm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin – TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1.

Danh sách 141 doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng không có nhiều cái tên đáng chú ý, phần lớn là các doanh nghiệp trực thuộc UBND Tỉnh với quy mô không quá lớn.

Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, Tân Hiệp Phát… Tuy vây, lộ trình lên sàn của các tên tuổi này vẫn còn bỏ ngỏ. Vắng bóng các “bom tấn” IPO khiến thị trường chứng khoán thiếu “hàng mới” chất lượng. Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia tăng vọt nhưng lại chưa có thêm nhiều lựa chọn mới.

Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Quy mô vốn hóa tăng trưởng chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên. Tuy nhiên, điều này khó có thể tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi môi trường tiền rẻ không còn.

Ngoài câu chuyện về “hàng mới”, những con sóng thần trong quá khứ còn thường gắn liền với các dấu mốc liên quan đến thương mại quốc tế như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) năm 2009, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) năm 2020 hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đầu năm 2022… Sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, Việt Nam hiện đã tham gia hầu hết các tổ chức và Hiệp định thương mại quan trọng. Do đó, chất xúc tác này cũng khó có thể xuất hiện thêm trong tương lai gần.

Dù vậy, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ vĩ mô ổn định và kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sớm hồi phục sau suy thoái. Thêm nữa, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng được dự báo sẽ kéo khối ngoại trở lại mạnh mẽ hơn qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.