Những phiên gần đây thị trường thường bị bán/thu hẹp đà tăng về cuối phiên khiến nhà đầu tư càng dè dặt trong việc giải ngân. Sau những thông tin tích cực xoay quanh những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán giao dịch cũng…
Sau những thông tin tích cực xoay quanh những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán giao dịch cũng giao dịch khá khởi sắc. Dù hai phiên tăng điểm chưa nói lên điều gì, song nỗ lực tăng điểm cũng giúp chỉ số lấy lại ngưỡng 1.030 điểm.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng vì sợ dính “bẫy” Bull-trap trong những phiên tăng điểm. Đặc biệt, những phiên gần đây thị trường thường bị bán/thu hẹp đà tăng về cuối phiên khiến nhà đầu tư càng dè dặt trong việc giải ngân.
Nhận định về điều này, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng thị trường không phải Bull-trap mà là tích lũy trong nghi ngờ.
Nhìn từ thị trường chứng khoán Mỹ, ông Huy đánh giá có một đặc tính rất nổi bật là khi dòng tiền thông minh chưa “gom” đủ cổ phiếu thì thị trường khó có thể tăng giá. Pha “gom hàng” này cần thời gian đủ dài và không phải đến lúc bức tranh vĩ mô cải thiện rõ ràng mới bắt đầu.
Nhìn lại diễn biến của chứng khoán Việt Nam hiện tại, chuyên gia DSC thấy nhiều dấu hiệu tương đồng. Những luận điểm cho thấy thị trường không phải Bull-trap được chuyên gia đưa ra là (1) Thanh khoản vẫn bình bình mức thấp, độ rộng phân kỳ dương. (2) Áp lực bán ra đến từ một số cổ phiếu thanh khoản thấp, vốn hóa lớn. (3) Ảnh hưởng cục bộ chứ không ảnh hưởng toàn bộ thị trường, nhiều nhóm vẫn tự bứt phá và phân hóa.
Khi tin xấu vẫn bủa vây thị trường, ông Huy cho rằng quá trình tích lũy sẽ còn dài và không dễ đi lên ngay. Tuy nhiên, quan sát chart độ rộng MA200 đã nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Nhà đầu tư nên kiên nhẫn và chuẩn bị tâm thế vững vàng
Về diễn biến dài hạn, chuyên gia cho rằng thông thường chứng khoán sẽ đi trước nền kinh tế khoảng 6 tháng. Trên thế giới, diễn biến của các thị trường trong khoảng từ 3-6 tháng nay tương đối tích cực.
Chu kỳ nền kinh tế Việt Nam đi sau thế giới nhưng cũng đã có những tín hiệu đầu tiên cho thấy nền lãi suất có khả năng giảm dần. Dù vẫn có tồn đọng những vấn để ở một số ngành cụ thể, nhưng ông Huy lạc quan rằng vĩ mô có thể dần cải thiện ở nửa cuối 2023.
Trong giai đoạn đầu của pha tích lũy, tâm lý chung của nhà đầu tư cá nhân sẽ không mấy tích cực. Không chỉ những nhà đầu tư đã trải qua giai đoạn thị trường giá xuống, những người còn bám trụ lại đều chung trạng thái tâm lý “chán nản”. Đó là đặc điểm chung, ở bất kỳ thị trường nào. Do vậy, thanh khoản thấp là điều dễ hiểu và có thể kéo dài trong pha tích luỹ 3-6 tháng của thị trường.
Một trong những sự quan tâm khác của thị trường là FED. Song ông Bùi Văn Huy lại cho rằng đoạn cuối của quá trình FED tăng lãi suất có thể có biến số nhưng ảnh hưởng chung đến thị trường là không quá lớn trong giai đoạn này.
Bức tranh vĩ mô xuất hiện một số điểm sáng như Trung Quốc phục hồi nền kinh tế, lãi suất cho dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã đạt đỉnh. Chuyên gia DSC lưu ý nhà đầu tư nên quan tâm tới các ẩn số tiêu cực, từ thị trường bất động sản cũng như diễn biến kém khả quan của nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, bức tranh kể từ nửa cuối năm 2023 sẽ được cải thiện. Dù không phải doanh nghiệp nào cũng sống sót qua khó khăn, nhưng vẫn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua. ” Quãng thời gian 3-6 tháng tới như quá trình chọn lọc tự nhiên và NĐT có thể tích lũy các doanh nghiệp với vị thế tài chính, dòng tiền lành mạnh “, ông Huy cho hay.
Thị trường chứng khoán là “sân chơi” cho nhà đầu tư kiên nhẫn và chuẩn bị tâm lý vững vàng. Ông Huy bày tỏ quan điểm không quá bi quan, thậm chí thị trường đang tạo ra cơ hội để xây dựng vị thế.
Nhịp sống thị trường