Trong tuần giao dịch vừa qua (27/2-3/3/2023), chỉ có 8/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, trong khi còn lại đều chìm trong sắc đỏ. BAB của BacABank là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 8,7% trong tuần qua. Tiếp đến là PGB của PGBank (3,4%), BID của…
BAB của BacABank là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 8,7% trong tuần qua. Tiếp đến là PGB của PGBank (3,4%), BID của BIDV (2,9%), STB của Sacombank (2,9%), NAB của NamABank (2,1%), HDB của HDBank (1,7%),…
Đáng chú ý, liên quan đến cổ phiếu PGB, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thông báo chào bán ra công chúng 120 triệu cp PGB theo hình thức đấu giá công khai. Số cổ phiếu này tương đương tới 40% vốn cổ phần PGBank. Giá khởi điểm được đưa ra là 21.300 đồng/cp, cao hơn so với mức giá đóng cửa tuần này của cổ phiếu PGB (18.000 đồng/cp).
STB của Sacombank hồi phục nhẹ tuần qua với mức tăng 2,9%. Trong đó, cổ phiếu này gây chú ý với phiên tăng kịch trần hôm 1/3 và thanh khoản đột biến. Song song diễn biến tích cực về giá, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng STB 4 phiên liên tiếp từ ngày 28/2.
HDB cũng là một trong những mã hiếm hoi ngược dòng diễn biến tiêu cực của thị trường chung. Cổ phiếu này tăng 1,7% lên 17.800 đồng/cp. HDB cũng ghi nhận 4 phiên mua ròng liên tiếp của khối ngoại với giá trị tổng cộng hơn 40 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại HDB hiện là 18,6% trong khi “room” được chốt ở mức 20%. Theo đó, khối ngoại được phép sở hữu thêm hơn 35,3 triệu cp HDB nữa mới kín “room”.
Ở chiều ngược lại, có tới 18/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua, trong đó các mã giảm mạnh nhất là NVB (-9,4%), EIB (-6%), OCB (-4,5%), VBB (-3,6%), MBB (-3,1%),…
Thanh khoản toàn ngành tuần qua chỉ đạt gần 6.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.270 tỷ/phiên. Trong đó, STB là mã duy nhất có giá trị giao dịch trong tuần đạt trên 1.000 tỷ đồng, cụ thể thanh khoản đạt gần 1.600 tỷ, gấp đôi mã đứng thứ 2 là VPB (716 tỷ đồng).
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy khả quan dù đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng.
Trong đó, MSB được cấp là room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%, cao hơn so với năm 2022 (9,5%). Các ngân hàng khác được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, so với 15% của năm 2022. ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn mức 11,5% của năm trước; VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9% trong khi năm trước là 15%.
Theo Thống đốc NHNN, năm 2023 mục tiêu tăng trưởng tín dụng là khoảng 14 – 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong tháng 02/2023, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính tới 28/02, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
Tại cuộc họp hồi đầu tuần, được biết các ngân hàng thương mại đã đồng thuận với nhau về việc giảm lãi suất huy động tối đa 0,5%/năm, sẽ công bố trước ngày 6/3. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ có điều kiện để giảm theo trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường