Không quá nóng và không quá lạnh. Đó là những gì các nhà đầu tư đang hy vọng về triển vọng kinh tế, khi Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp trên toàn cầu đang chật vật với lạm phát cao và người tiêu dùng…
Câu chuyện của ba ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới – đang chuẩn bị tổ chức các cuộc họp chính sách đầu tiên vào năm 2023 – có đề cập đến một kịch bản “Goldilocks” về tăng trưởng chậm lại và lạm phát giảm dần hay không? Câu trả lời sẽ có vào tuần này (tuần từ 30/1-5/2).
1/ Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt thái độ quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát, hay tiếp tục kiên định với ‘vũ khí chính sách’ của mình? Các nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 1/2/2023, và lãi suất đỉnh sẽ không chạm mức 5%.
Tuy nhiên, các quan chức Fed cho đến lúc này vẫn khẳng định rằng họ kỳ vọng lãi suất chính sách chủ chốt sẽ đạt mức cao nhất là 5,00-5,25% trong năm nay.
Bất cứ tín hiệu nào mà Fed phát ra đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định thời hạn tăng giá của đồng USD trong năm nay. Nếu Fed tỏ ra ôn hòa, USD sẽ giảm giá nhanh chóng. Đồng bạc xanh đã giảm gần 11% kể từ khi đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 9 năm ngoái.
Dự đoán về mức đỉnh lãi suất của Fed.
2/ Trung Quốc hồi phục sau đại dịch
Thị trường Trung Quốc đã quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần và dự báo sẽ tiếp tục hồi phục. Chỉ số blue-chip của Trung Quốc đại lục đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới.
Các nhà giao dịch có cơ sở để lạc quan khi các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết số ca tử vong do COVID đã giảm khoảng 80% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 1, trái ngược với những lo ngại rằng đợt cao điểm du lịch dịp Tết Nguyên đán sẽ gây ra một làn sóng lây nhiễm mới.
Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm sau khi Chính phủ đột cộng đồng đàn siêu tốc.
Tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại mạnh mẽ đến mức nào sẽ được thể hiện trong chỉ số PMI sẽ công bố vào thứ Ba tới (31/1), dự kiến sẽ cho thấy lĩnh vực dịch vụ hồi phục nhanh chóng. Hoạt động sản xuất có khả năng vẫn bị thu hẹp, nhưng điều đó có liên quan nhiều đến thời điểm nghỉ Tết cổ truyền và tháng tới sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động kinh doanh của Trung Quốc hồi phục sau dịch COVID.
3/ Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục nâng lãi suất
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào thứ Năm (2/2) và được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 2,5%. Thị trường lúc này quan tâm nhất đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, và điều đó hiện vẫn chưa rõ ràng.
Những người ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB cho rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức tương tự trong kỳ họp tháng 3, bởi lạm phát trong khu vực hiện vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%, và dữ liệu sơ bộ của tháng 1 sẽ phải đến thứ Tư (1/2) mới được công bố.
Dự kiến từ nay đến tháng 7, ECB sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, và lãi suất đỉnh của ngân hàng này có thể đạt mức 4%.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng ECB có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, bởi lạm phát dù vẫn cao nhưng không còn ở mức cao kỷ lục. Do đó, tốc độ tăng lãi suất trong tháng 2 vẫn là một ẩn số. Do nội bộ các quan chức ECB hiện vẫn có những ý kiến khác nhau, nên các nhà phân tích và nhà đầu tư mong đợi ECB sẽ có tiếng nói thống nhất để thị trường có thể dễ dàng hơn trong việc dự đoán đường đi nước bước tiếp theo của ngân hàng này.
Dự đoán lãi suất của ECB.
4/ Team chữ “A”
Ba chữ “A” đình đám – Apple, Amazon và Alphabet – 3 trong số 4 công ty hàng đầu của Mỹ tính theo giá trị thị trường – đều sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Năm (2/2).
Hơn 100 công ty trong chỉ số S&P 500 đã, đang và sẽ báo cáo kết quả kinh doanh, báo hiệu mùa báo cáo sôi động bắt đầu.
Microsoft, công ty lớn thứ tư trong số các công ty siêu vốn hóa của Mỹ, đã báo cáo kết quả. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của doanh nghiệp này đã đạt được các mục tiêu của Phố Wall, nhưng họ lại đưa ra một dự báo mờ nhạt khiến lĩnh vực công nghệ nói chung không mấy lạc quan. Các công ty công nghệ nói chung đang chịu áp lực để duy trì tăng trưởng trong khi cắt giảm chi phí trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thu nhập của S&P 500 dự kiến sẽ giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Refinitiv IBES vừa công bố.
Kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ.
5/ Ngân hàng trung ương Anh chật vật chống lạm phát
Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE), ngân hàng trung ương đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất lần thứ 10 kể từ tháng 12/2021.
Các thị tường tiền tệ dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4%. Lạm phát của nước này trong tháng 12 đã dừng ở mức 10,5%, nhưng vẫn cao gấp 5 lần so với mục tiêu chính thức của Ngân hàng này.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho biết đây sẽ là lần tăng lãi suất “mạnh mẽ” cuối cùng của BoE. Dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh của Vương quốc Anh bị thu hẹp đáng kể và doanh số bán lẻ trong mùa Giáng sinh rất mờ nhạt.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà kinh tế dự đoán BoE sẽ dừng chu kỳ tăng lãi suất ở mức 4,25%. Nhưng nhiều người cho rằng lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, là lý do chính khiến các dự báo đều có thể không chính xác.
Lạm phát của Anh tháng 11 và 12 đã hạ nhiệt, nhưng lạm phát lõi vẫn không giảm.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường