Vietnam Airlines đã lỗ liên tiếp trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 – nguy cơ huỷ niêm yết đã hiện hữu. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (mã CK: HVN) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022. Trong bối cảnh hậu…
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (mã CK: HVN) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Trong bối cảnh hậu Covid 19 nhiều ngành nghề đã phục hồi trở lại và có bước tăng trưởng mạnh thì Vietnam Airlines vẫn báo lỗ gần 2.700 tỷ đồng trong quý 4 dù doanh thu tăng trưởng rất mạnh.
Theo đó, riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 19.500 tỷ đồng – cao gấp đôi so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến HVN lỗ gộp 828 tỷ đồng cao hơn mức lỗ 635 tỷ đồng của quý 4/2021.
Trong kỳ chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng mạnh lên hơn 1.000 tỷ đồng – gấp 3,6 lần cùng kỳ, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá (540 tỷ đồng) và lãi vay (370 tỷ đồng). Ngoài ra chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Kết quả HVN chịu lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng – Đây đã là quý thứ 12 liên tiếp HVN kinh doanh thua lỗ.
Luỹ kế cả năm 2022, Vietnam Airlines đạt 70.500 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.
Với 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng – Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quý 4/2022 là do chi phí nguyên liệu tăng (giá nhiên liệu bình quân tăng gần 40%) và chi phí bán hàng tăng tương ứng với doanh số bán hàng. Theo đó ngoài khoản lỗ của công ty mẹ thì khoản lỗ của cả Pacific Airlines và Công ty Dịch vụ mặt đất đều tăng.
Trước đó, HOSE đã nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát, do thị trường quốc tế phục hồi chậm, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga – Ukraine và các biến động về tỷ giá và lãi suất gia tăng nên hoạt động SXKD vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 4 và cả năm 2022.
Tuy nhiên HVN cho rằng bắt đầu từ quý 4/2022 thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của Tổng công ty sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Hiện Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại TCT giai đoạn 2021 – 2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, TCT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn CSH; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn CSH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Áp lực thanh khoản ngắn hạn vẫn tiếp tục đeo bám Vietnam Airlines. Cuối quý 4, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 3.390 tỷ đồng là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 53.139 tỷ đồng, tức gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn.
Nhịp sống thị trường