Việc kiểm soát không khéo về tài chính đã dẫn đến cảnh “vung tay quá trán” ở không ít gia đình trong dịp Tết. Điều này cũng đã vô tình biến dịp vui thành nhiều trải nghiệm không tốt. Nên phân bổ tài chính thế nào để tránh việc bội…
Nên phân bổ tài chính thế nào để tránh việc bội chi trong dịp Tết này?
Theo Ông Nguyễn Thanh Minh, chuyên gia tài chính cá nhân, có 3 nhiệm vụ chính mà các hộ gia đình cần làm trong dịp này để quản lý tốt chi tiêu đó là 1) lên ngân sách 2) phân loại các khoản chi tiêu 3) tự kiểm soát.
Việc liệt kê chi tiết nhất các khoản cần chi trong dịp Tết và ngân sách dành dành cho chúng sẽ giúp cho người tiêu dùng có cái nhìn rõ nét hơn về các khoản cần phải dùng tiền trong dịp. Một số chi phí có thể kể đến như thực phẩm, hiếu hỷ – lì xì, du lịch,…
Bước tiếp theo đó là phân loại. Có nhiều cách để chia các loại chi phí. Ví dụ một công thức khá nổi tiếng là dùng 50% thu nhập để chi tiêu thiết yếu, 30% chi tiêu cho mong muốn, 20% là để tiết kiệm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp chúng ta có thể sẽ linh hoạt hơn. Ví dụ dịp Tết này chúng ta có thể chia ngân sách từ thưởng Tết và lương tháng cuối cùng của năm thành 1) chi tiêu thiết yếu và 2) chi tiêu mong muốn, với các tiêu chí phân loại mang màu sắc Tết nhiều hơn.
“Cần lưu ý rằng khi phân bổ theo cách này, bạn đã có thêm một khoản thưởng Tết, dòng tiền dồi dào hơn. Vì lẽ đó, sự điều chỉnh theo hướng kỷ luật hơn sau mùa lễ hội là thực sự cần thiết”, ông Minh nhấn mạnh.
Về chi tiết, chi tiêu thiết yếu là những khoản bắt buộc phải có. Ví dụ dịp Tết thì sẽ có chi cho bánh mứt, thực phẩm, mua đào, quất… Tiền hiếu hỷ mừng tuổi sẽ là những khoản chi tiêu mong muốn và nên cân chỉnh tùy theo điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh như gia đình có kế hoạch du lịch xuyên Tết, các khoản này sẽ được linh động hơn.
Nhiệm vụ cuối cùng đó là tự kiểm soát. Tết là dịp rất nhiều người thường có xu hướng “tự thưởng” cho bản thân vì một năm nỗ lực, cộng thêm việc không ý thức rõ về các khoản phải chi cho dịp Tết nên thường có tình trạng “vung tay quá trán” do đó phải đặc biệt lưu ý bản thân về điều này.
“Ông bà ta có câu ‘làm khi lành, để dành khi đau’. Nếu cứ mạnh dạn tiêu pha thì rất có thể có những giai đoạn cấp thiết bạn sẽ phải chật vật hơn rất nhiều. Do đó việc khống chế chi tiêu không để vượt khỏi khoản thưởng Tết là một trong những điều rất đáng cân nhắc”, ông Minh chia sẻ.
Giữ kỷ luật tài chính cực kỳ đơn giản chỉ với 1 app ngân hàng
Chuyên gia cho rằng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với app ngân hàng là bạn đã có thể thực hiện được việc giữ kỷ luật tài chính.
Trên thực tế, hiện nay, các ngân hàng đều đã cho phép tạo các tài khoản con với tỷ trọng tiền được phân bổ nhất định từ tài khoản chính. Khách hàng chỉ cần dùng tài khoản nhận lương, thiết lập tỷ trọng phân bổ cho 3 khoản mục chi tiêu thiết yếu, chi tiêu mong muốn và chi tiêu tiết kiệm/đầu tư. Sau đó, hàng tháng mỗi khi tiền về, hệ thống sẽ tự động phân bổ lại nguồn tiền.
“Về mặt nguyên tắc, tài khoản nào thì dùng cho việc đấy. Tuy nhiên, cần nói thêm, là ngân hàng còn có chức năng tài khoản mặc định để thanh toán hoặc rút tiền khi giao dịch tại các ATM. Tùy quan điểm và thời kỳ mà bạn có thể đặt một trong các tài khoản này làm mặc định để kiểm soát chi tiêu tốt hơn.
Ví dụ như một số người thường hay đặt tài khoản chi tiêu giải trí làm mặc định để tránh tiêu dùng quá tay dẫn đến việc không thanh toán được tiền nhà, hay các sinh hoạt phí bắt buộc”, ông Minh chia sẻ
Việc quản lý qua ngân hàng còn một ưu điểm nữa là hiện đã có rất nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua ebanking. Từ dịch vụ công, sinh hoạt phí điện nước hàng ngày, cho đến mua sắm, vui chơi giải trí, lẫn đầu tư, mọi thứ đều có thể giao dịch bằng việc quét mã QR hoặc chuyển khoản.
Vì thế việc quản lý tài chính không còn là hàng tá sổ sách hay phải đem theo tiền mặt khi ra ngoài dễ dẫn đến việc mất cắp.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã tối ưu giao diện cho người dùng. Khách hàng không còn cảnh dò rồi cộng từng dòng sao kê nhàm chán hàng tháng. Giờ đây Các dữ liệu đã được chuyển thành các đồ thị giúp khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về tình hình tài sản của mình. Người dùng cũng có thể theo dõi tình hình tài chính cá nhân 24/7 và nhanh chóng điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng, đảm bảo kỷ luật trong quản lý chi tiêu.
“Kết hợp những yếu tố trên, kênh ngân hàng hiện đang là kênh tối ưu nhất để quản lý chi tiêu”, ông Minh đánh giá.
Nhịp Sống Thị Trường