Năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến. So với năm 2021, số cuộc lừa đảo trực tuyến ước tính tăng tới 44%. Việt Nam hiện có hơn 99 triệu dân thì có tới hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn…
Việt Nam hiện có hơn 99 triệu dân thì có tới hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Lừa đảo tài chính chiếm 75% vụ lừa đảo trên không gian mạng
Năm 2022 có thể coi là năm bùng nổ lừa đảo tài chính trực tuyến. Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến. So với năm 2021, số cuộc lừa đảo trực tuyến ước tính tăng tới 44%. 2 loại hình lừa đảo chính là đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm 24.4% và lừa đảo tài chính chiếm 75,6%. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Đó mới chỉ là ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, còn thực tế thì số nạn nhân bị lừa đảo tài chính trực tuyến trong năm 2022 còn có thể nhiều hơn số thống kê ở trên rất nhiều. Bởi thực tế có nhiều nạn nhân có tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin thì để thực hiện các cuộc lừa đảo tài chính trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều chiêu trò khác nhau nhưng có thể phân làm 3 chiêu trò chính, đó là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản online và 1 số hình thức khác, trong đó chiêu trò giả mạo thương hiệu là được áp dụng nhiều nhất chiếm 72,6%. Trong khi năm 2021, bùng nổ các sàn đầu tư forex, tiền ảo thì năm 2022 lại liên tục xuất hiện nhiều ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, có hành vi mời chào, dụ dỗ nhà đầu tư tham gia.
Liên tục xuất hiện ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo
Nhiều nhà đầu tư này đã liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, tự xưng là nhân viên của công ty chứng khoán CSI, mời chào đầu tư chứng khoán với nhiều ưu đãi, lợi nhuận tới 600%/năm.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là sau khi nhà đầu tư mở tài khoản, thì lại được yêu cầu nạp tiền vào 1 công ty bất động sản, không phải là tài khoản của Công ty chứng khoán Kiến Thiết CSI. Đại diện Công ty chứng khoán CSI cho biết, ứng dụng này là giả mạo.
Ông Hoàng Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho biết: “Những ứng dụng dạng như này hoàn toàn là giả mạo. Khi nhà đầu tư truy cập vào trong ứng dụng thì không có bất cứ thông tin liên quan gì đến CSI”.
Mới đây, lại tiếp tục xuất hiện một ứng dụng tương tự, nhưng lại giả danh 1 quỹ đầu tư, với những lời mời chào hấp dẫn về lợi nhuận cao, được mua bán T+0, được mua cổ phiếu ưu đãi: “Bên em là quỹ đầu tư Chiến Thắng. Hiện tại bên em thầy đang hướng dẫn kế hoạch lợi nhuận 500%. Chị có muốn tham gia đầu tư không ạ?”.
Thậm chí ứng dụng có tên Chiến Thắng còn đưa hẳn ra 2 tài khoản ngân hàng mang tên: Công ty TNHH Quỹ đầu tư Chiến Thắng và Công ty TNHH Thế giới Công nghệ Xanh để cho nhà đầu tư tin tưởng mà nạp tiền.Thế nhưng, các nhà đầu tư chẳng hề hay biết, hai doanh nghiệp kể trên chưa từng được Ủy ban CKNN cấp phép hoạt động.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý Quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, cho biết: “Công ty TNHH Quỹ đầu tư Chiến Thắng và Công ty TNHH Thế giới Công nghệ Xanh không phải là 2 công ty quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán do UBCK cấp phép”.
Trong năm 2022, một số công ty chứng khoán và cơ quan quản lý cũng lên tiếng cảnh báo vì bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như công ty chứng khoán SSI, Sở GDCK Hà Nội.
Thua lỗ chứng khoán thật, mất tiền chứng khoán “ảo”. Đây là tình cảnh của không ít nhà đầu tư trong năm qua, khi thua lỗ chứng khoán cơ sở, mong muốn gỡ lại thật nhanh, nên khi thấy các ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo quảng cáo nhiều ưu đãi hấp dẫn, đã vội vã xuống tiền tham gia ngay và cuối cùng là mất “cả chì lẫn chài” khi các ứng dụng “ảo” này biến mất.
Một người tham gia ứng dụng chứng khoán StockX cho biết: “Tại thị trường đang bị giảm nên các quảng cáo đánh vào tâm lý, mình mới ham nhảy vào để gỡ lại. Chính vì thế nên bị mắc bẫy. Cảnh giác như mình rồi vẫn bị dính bởi vì bọn chúng rất tinh vi. Chúng chia những nạn nhân ra thành những nhóm rất nhỏ, mỗi một nhóm chỉ có 2 – 3 nạn nhân, còn lại phải 80-90% là chim lợn, chim mồi. Chúng quây mình làm cho mình tin tưởng”.
Có những ứng dụng lừa đảo trực tuyến gây tổn thất về tài chính hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Khoảng thời gian cận Tết như thời điểm hiện tại không ít người đã bị rơi vào bẫy lừa đảo khác như gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo tuyển cộng tác viên, việc làm online hay lừa vay tiền qua các ứng dụng. Để kịp thời cảnh báo cho người dân, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để cảnh báo cũng như ngăn chặn vấn nạn này.
Những video clip ngắn về tình huống lừa đảo trực tuyến, cách nhận biết như thế nào, nạn nhân tổn thất ra sao có thể dễ dàng truy cập trên website, kênh Tiktok hay Facebook chính thức của Cổng không gian mạng quốc gia, sở hữu bởi Bộ thông tin và truyền thông. Đại diện Bộ cho biết, mục tiêu của Cổng không gian mạng này là giúp người dân quen dần, qua đó nhận biết ngay dấu hiệu lừa đảo khi bị kẻ xấu tiếp cận.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Trưởng phòng Giám sát An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nói: “Cục An toàn thông tin của Bộ đang phát triển và vận hành 2 bộ công cụ. 1 là công cụ về lừa đảo trực tuyến hướng dẫn ng dân biết về kỹ năng lừa đảo trên web congcu. Khonggianmang.vn. Trang thứ 2 là dauhieuluadao.com, cung cấp đầy đủ kiến thức về lừa đảo, cung cấp bài test cho người dân vào làm và tự trải nghiệm”.
Theo Bộ Công an, 1 hình thức phổ biến các đối tượng lừa đảo hay sử dụng là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng trung gian, sau đó rất nhanh chóng rút tiền ra để xóa dấu vết. Những tài khoản này đều được đăng ký chính chủ mà chủ sở hữu không hề hay biết khi các đối tượng quá dễ dàng chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dân trên không gian mạng.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, nói: “Bộ Công an giao các đơn vị chức năng tổ chức đấu tranh, làm rõ các tổ chức đường dây mua bán, chiếm đoạt dữ liệu thông tin cá nhân tại Việt Nam. Tập trung đấu tranh vô hiệu hóa các trang web cung cấp dịch vụ mua bán dữ liệu trên không gian mạng.”
Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp nhận biết dấu hiệu lừa đảo trực tuyến hiệu quả nhất là cần hết sức cảnh giác khi đối tượng đề cập đến tài khoản ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Thể Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, nói: “Dù chuyện gì cũng phải nhớ: khi các đối tượng yêu cầu chuyển tiền thì phải tỉnh táo bởi vị họ mời bạn vào để kiếm tiền, nhưng chưa kiếm được thì đã mất tiền. Nên dừng lại để tránh bị lừa đảo sâu hơn”.
Trong năm 2022, cơ quan chức năng cũng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo, bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân, trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Giải pháp quan trọng nữa là mỗi người dân hay tự nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào đầu tư với lãi suất cao bất thường, không truy cập vào những trang web không rõ nguồn gốc, và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ tài khoản cá nhân.
VTV.VN