Kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng 10% năm 2023. Ảnh: Trọng Hiếu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, VNDirect Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% so với năm trước trong năm…
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, VNDirect Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% so với năm trước trong năm 2023-2024 (từ mức 32% năm 2022).
Tăng trưởng tín dụng hệ thống chậm lại và đạt khoảng 12% trong 2023
Tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12, chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
VNDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường TPDN trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Xuất khẩu – một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng,…
Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng, vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
NIM dự kiến sẽ thu hẹp do áp lực chi phí vốn tăng cao
VNDirect nhận định, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và TPDN đang gặp nhiều khó khăn, chính sách “diều hâu” của FED gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, và áp lực lạm phát.
Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới. Lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm do NHNN hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá; doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn; và sự kiện xoay quanh SCB. Tuy đã hạ nhiệt, dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm.
Liên quan đến lãi suất huy động, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 2 điểm phần trăm, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn.
Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh, NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp.
VNDirect cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, lần lượt ở mức 87% và 64%. CTG, VPB, TPB, và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm nay.
Trên phương diện CASA, TCB, MBB và VCB là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống.
Ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuận
Trích lập dự phòng của các ngân hàng quý III/2022 đã tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 1,1% so với quý trước chủ yếu do khoản trích lập của Sacombank cho trái phiếu VAMC và của FE Credit để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng trên cho vay của 15 ngân hàng niêm yết đã giảm về mức trước dịch.
Chất lượng tài sản của ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi việc Thông tư 14/2021 hết hạn vào cuối tháng 6/2022. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của ngành tăng lên mức 1,44% vào cuối quý III/2022 từ 1,34% vào cuối quý III/2022 và 1,28% cuối năm 2021.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của ngành đã tăng lên mức 168,7% vào cuối quý III/2022, thấp hơn so với mức 172,6% vào cuối quý II/2022 nhưng vẫn cao hơn mức 159,6% vào cuối năm 2021.
Sang năm 2023, bên cạnh vấn đề “căng thẳng thanh khoản” trong hệ thống ngân hàng, VNDirect nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao (do USD tăng giá và lãi suất tiền đồng tăng cao), và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn bị hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng.
Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Nhìn chung, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại và dẫn tới việc chi phí dự phòng có thể tăng trong 2023-2024. Chúng tôi tin rằng những ngân hàng với chất lượng tài sản ổn định sẽ ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng cao.
Nhà đầu tư