Đồng đô la Mỹ được giảm trong phiên thứ Tư (4/1) sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không đưa ra bất ngờ hoặc thông tin mới nào về quy mô của đợt tăng lãi suất dự kiến vào tháng Hai….
Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng cuối cùng của năm 2022 và các quan chức của họ đều nhất trí rằng tốc độ tăng lãi suất chậm lại sẽ cho phép họ tiếp tục tăng chi phí tín dụng để kiểm soát lạm phát một cách từ từ nhằm hạn chế rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.
Nội dung biên bản cũng giải thích rằng các nhà đầu tư hoặc công chúng nói chung không nên hiểu quyết định chuyển sang các mức tăng lãi suất nhỏ hơn nghĩa là ngân hàng trung ương đã giảm mức độ cam kết trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Brian Daingerfield, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ các nước G10 của NatWest Markets ở Stamford, Connecticut cho biết: “Tôi thấy biên bản không cung cấp thông tin mới quan trọng nào. Triển vọng chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn được Fed duy trì bằng việc điều chỉnh tăng mức lãi suất trong bình cho năm 2022 sau cuộc họp tháng 12”, và “điều đó đã được phản ánh rõ ràng trong cuộc họp báo cũng như các dự báo và tuyên bố vào thời điểm đó”.
Biên bản cũng không làm thay đổi kỳ vọng về cuộc họp tháng 2 của Fed. Các nhà giao dịch quỹ Fed fund futures hiện đang nhận định có 67% khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 2 xuống 25 điểm cơ bản. Đó sẽ là lần giảm tốc thứ 2, sau đợt tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 12 sau 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
“Tôi không thấy bất kỳ gợi ý rõ ràng nào trong biên bản cho thấy Fed đang nghiêng về việc giảm tốc độ tăng lãi suất hơn nữa hoặc nghiêng về việc duy trì mức tăng lãi suất cơ bản ở 50 điểm như họ đã thực hiện vào tháng 12. Tôi nghĩ đó là lý do cốt lõi khiến thị trường chưa có phản ứng mạnh nào”, ông Daingerfield nói.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã giảm 0,47% vào lúc kết thúc phiên 4/1, xuống 104,22, sau khi đạt mức cao nhất trong 2 tuần là 104,86 vào thứ Ba (3/1).
Thị trường việc làm của Mỹ vẫn vững chắc và đó được coi là cơ hội cho Fed tiếp tục tăng lãi suất khi cơ quan này nỗ lực để giảm áp lực giá cả.
Báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ – công bố vào thứ Sáu (6/1) – là tâm điểm theo dõi của thị trường trong tuần này về nền kinh tế Mỹ, và dự kiến sẽ cho thấy các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 200.000 việc làm mới, trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ được dự đoán sẽ tăng 0,4% trong tháng 12, đạt mức tăng hàng năm là 5%.
Dữ liệu công bố hôm qua cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 11 giảm ít hơn dự kiến do thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Cũng có những tin tức đáng khích lệ về kết quả của những chống lạm phát, với một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy chi phí đầu vào trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Kỳ vọng về các biện pháp kích thích hơn nữa ở Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì COVID-19 đã thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư đối với các tiền tệ rủi ro trong phiên vừa qua cũng góp phần làm giảm nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ.
Đồng đô la Úc đã tăng 1,66% lên 0,6839 USD sau khi cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc cho phép ba công ty Nhà nước và nhà sản xuất thép hàng đầu của họ tiếp tục nhập khẩu than từ Úc, động thái đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm buôn bán than không chính thức với Canberra vào năm 2020.
Đồng euro cũng tăng so với USD trong phiên vừa qua do lạc quan rằng lạm phát trong khu vực có thể đã đạt đỉnh sau khi dữ liệu cho thấy áp lực giá tiêu dùng của Pháp vào tháng 12 giảm nhiều hơn dự kiến. Điều đó làm tăng hy vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Đồng euro kết thúc phiên 4/1 tăng 0,54% lên 1,0605 USD.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt trên thế giới.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 4 tháng so với USD do nhà đầu tư hy vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu mua nội tệ theo mùa tăng lên.
Bộ trưởng tài chính Trung Quốc cam kết đẩy mạnh quá trình mở rộng tài khóa trong năm nay, vài ngày sau khi ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế bị tổn thương do COVID-19.
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể duy trì chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại nhưng dần dần sau đó sẽ lưu ý đến rủi ro lạm phát”.
“Sự trở lại của câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giữ lãi suất và thu nhập từ cổ phiếu của nước này tăng lên và hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.”
Chiều 4/1, đồng nhân dân tệ tăng 147 pip lên 6,8987 CNY, không xa so với mức cao nhất hơn 4 tháng, là 6,8733 CNY đạt được một ngày trước đó.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết sức mạnh của đồng nhân dân tệ cũng đến khi nhiều khách hàng doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi biên lai ngoại hối của họ sang đồng nội tệ để thanh toán các đơn đặt hàng và tiền thưởng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ cho biết: “Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có xu hướng mạnh lên từ đầu năm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”. Ông nói thêm: “Điều này được thúc đẩy bởi việc chuyển đổi tiền thu được từ ngoại hối tích lũy của các nhà xuất khẩu. Kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc sẽ kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 21 tháng 1 năm nay.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng trong phiên này, lên 18.638 USD vào rạng sáng 5/1 theo giờ Việt Nam do USD yếu đi.
Giá Bitcoin phiên 4/1.
Giá vàng duy trì ở mức cao nhất trong vòng gần 7 tháng sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cho thấy tất cả các nhà hoạch định chính sách của họ vẫn cam kết chống lạm phát, nhưng đồng ý về sự cần thiết phải giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023.
Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.851,41 USD/ounce, trước đó có lúc tăng 1,4% lên mức giá cao nhất kể từ ngày 13/6/2022; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 0,7% lên 1.859 USD.
Trong nước, giá vàng cũng trong xu hướng tăng cao. Riêng trong ngày 4/1, giá vàng miếng của SJC tăng khoảng 200.000 – 250.000 đồng/lượng so với phiên trước đó, lên 67,3 – 67,32 triệu đồng/lượng.
Theo biên bản cuộc họp chính sách ngày 13-14/12/2022, các quan chức của Fed đều thừa nhận rằng nằm vừa qua họ đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc tăng lãi suất đủ để giảm lạm phát.
Tai Wong, một nhà giao dịch cao cấp của Heraeus Precious Metals ở New York, cho biết: “Vàng đang giữ ổn định ở mức khá cao mặc dù biên bản của Fed nêu rõ rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng và sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào vào năm 2023, trái ngược với những gì thị trường dự đoán”.
Tham khảo: Reuters, Coindesk
Nhịp sống thị trường