Ngân hàng đầu tiên giảm mạnh lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 20/12

Ngân hàng này vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 0,4-1%/năm, đồng thời cho biết sẵn sàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Ngày 20/12/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm mạnh khoảng…

Fatz Admin lúc 2022-12-21
Ngân hàng đầu tiên giảm mạnh lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 20/12

Ngân hàng này vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 0,4-1%/năm, đồng thời cho biết sẵn sàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Ngày 20/12/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm mạnh khoảng 0,4-1% ở nhiều kỳ hạn.

Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, theo cả hình thức online và gửi tại quầy.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống 9,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4% xuống 9,4%/năm.

QUẢNG CÁO

Đối với các kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng, lãi suất không thay đổi, vẫn ở mức tối đa 6%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn vẫn giữ nguyên 0,5%/năm.

Trước đó, Saigonbank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống, bên cạnh DongABank, OCB, GPBank,…Mặc dù đã điều chỉnh giảm mạnh tới 1%/năm từ 20/12, hiện lãi suất của Saigonbank vẫn đang thuộc nhóm cao hơn mặt bằng chung.

Saigonbank cũng cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và lãi suất cho vay liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, ngân hàng đã chuẩn bị nhiều chương trình cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Động thái điều chỉnh của Saigonbank có thể nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng trong tuần trước, về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất), ổn định bằng bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian gần đây, cuộc đua lãi suất huy động cũng có dấu hiệu lắng lại, gần như không có ngân hàng nào tăng lãi suất huy động trong tuần vừa qua. Phần lớn những ngân hàng đã đưa lãi suất lên 9-9,5%/năm cũng đã dừng tăng lãi suất.

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, vừa qua đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% – 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Trước cuộc đua lãi suất, phía cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Tại cuộc họp của Hiệp hội ngân hàng ngày 15/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

NHNN cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được NHNN có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.

”Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc nói thêm: “Tất nhiên, giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, giảm lãi suất để các ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng ngược lại, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ”.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.