Khách hàng bình thường có thể gửi tiết kiệm hiện hưởng lãi hơn 9%, khách VIP thì sao?

Người giàu càng thêm giàu! Sau khi đã được cộng lãi suất vì đáp ứng đủ số dư tối thiểu, nếu thuộc nhóm khách hàng ưu tiên (khách VIP), người gửi tiền còn có thể được ngân hàng cộng thêm lãi suất. Khi nhiều ngân hàng đã có mức lãi…

Fatz Admin lúc 2022-11-23
Khách hàng bình thường có thể gửi tiết kiệm hiện hưởng lãi hơn 9%, khách VIP thì sao?

Người giàu càng thêm giàu!

Sau khi đã được cộng lãi suất vì đáp ứng đủ số dư tối thiểu, nếu thuộc nhóm khách hàng ưu tiên (khách VIP), người gửi tiền còn có thể được ngân hàng cộng thêm lãi suất. Khi nhiều ngân hàng đã có mức lãi suất huy động quanh 9%/năm như hiện nay, các khách hàng trên không quá khó khăn để có được mức lợi tức lên đến 10%/năm.

Điển hình là tại GPBank, lãi suất cao nhất niêm yết tại quầy là 8,95%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, nếu thỏa mãn thêm một số điều kiện về số dư tối thiểu, người gửi tiền có thể được cộng lãi suất tối đa thêm 1%/năm. Đồng thời, nếu thuộc hạng vàng, khách hàng còn có thể được thưởng thêm 0,05%/năm. Tổng lãi suất thực tế của nhóm khách VIP ở nhà băng này có thể nhận lên đến 10%/năm.

Hay tại Eximbank, theo thông báo công khai của ngân hàng, khách hàng VIP sẽ được áp dụng mức lãi suất tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (6%/năm) khi gửi tiền theo hình thức lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Ở các kỳ hạn 6, 9, 12 tháng, khách hàng VIP được quyền lựa chọn mức lãi suất cao hơn 0,1%/năm so với tiền gửi thông thường hoặc có thể nhận mức lãi suất ngang bằng song được chọn một số quà tặng khác đi kèm.

QUẢNG CÁO

Hiện LienVietPostBank đang có 7 phân khúc khách hàng đó là 1) hạng thường, 2) tiềm năng, 3) bạc, 4) titan, 5) vàng, 6) bạch kim, 7) kim cương. Lãi suất tiết kiệm giữa các hạng cũng có sự khác biệt. Theo đó, khi gửi tiền tại quầy hạng thường sẽ nhận được lợi tức thấp hơn 0,1-0,5%/năm so với các hạng còn lại.

Ví dụ như ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất đối với hình thức lãnh lãi cuối kỳ được ngân hàng niêm yết là 7,6%, trong khi đó, khách hàng hạng kim cương, bạch kim và vàng có thể nhận mức lãi suất lên đến 8,1%/năm; hạng titan và bạc là 7,9%/năm; hạng tiềm năng là 7,7%/năm. Hoặc ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất mà hạng kim cương, bạch kim, vàng, titan, bạc có thể nhận là 8,2%/năm; hạng tiềm năng 8,1%/năm, trong khi khách hàng thông thường chỉ nhận được 8%/năm.

Techcombank cũng ghi nhận sự chênh lệch về lãi suất tiền gửi giữa khách hàng phổ thông và và khách hàng VIP. Theo đó, khách hàng loại VIP 2/ VIP3 thường sẽ được hưởng lãi suất cao hơn 0,1%/năm so với khách hàng thường. Chênh lệch lãi suất giữa hạng Private (siêu giàu) hoặc VIP 1 so với hạng thường lên đến 0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất mà khách hàng VIP 3/Private có thể nhận là 9,3%/năm (Cụ thể, người gửi tiền thuộc 2 hạng kể trên lần đầu tiên gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 12-36 tháng, số dư tối thiểu là 3 tỷ, theo hình thức tiền gửi Phát Lộc tại quầy hoặc online đều có thể được hưởng mức lãi suất 9,3%/năm.)

Đó chỉ là mức lãi suất niêm yết công khai của các nhà băng đối với các nhóm khách hàng nói chung và khách VIP nói riêng. Trên thực tế, không ít nhà băng sẵn sàng cộng thêm từ 0,5-1%/năm thậm chí hơn nếu đáp ứng được các điều kiện về số dư tối thiểu. Bên cạnh đó, các nhà băng cũng có thêm quà thưởng và đặc biệt là cộng thêm lãi suất theo thỏa thuận (trình lên các cấp lãnh đạo phê duyệt tùy theo số tiền và chính sách của từng chi nhánh) nếu là người gửi tiền thuộc diện ưu tiên.

Bao nhiêu tiền thì được làm khách VIP ngân hàng?

Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều phân nhóm khách hàng để phục vụ nhu cầu, phổ biến nhất là chia làm hai loại gồm khách hàng thông thường và khách hàng ưu tiên (VIP). Ở mỗi ngân hàng, việc nhận diện khách hàng ưu tiên cũng khác nhau, ví dụ có nơi chỉ yêu cầu có 1 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên trong tài khoản (và cam kết không rút trước hạn) là đã được định danh khách VIP, có nơi chỉ yêu cầu duy trì số dư trong tài khoản thanh toán từ 300 triệu trở lên, liên tục trong 3 tháng, cũng được định danh khách VIP… Nhìn chung, các ngân hàng phổ biến định danh khách VIP dựa trên số tài sản của khách tại ngân hàng mình, như là tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, tiền bảo hiểm nhân thọ, khoản vay, thậm chí chức vụ của khách hàng tại nơi làm việc…

Cao hơn khách VIP một bậc, hiện nay ở một số ngân hàng còn định danh thêm nhóm khách hàng Private (siêu giàu), phổ biến là những người có tài sản từ 20 tỷ đồng trở lên, để phục vụ với những sản phẩm, dịch vụ “xịn” nhất.

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.