Lần gần nhất cổ phiếu HPG tăng trần 2 phiên liên tiếp đã cách đây hơn 10 năm kể từ tháng 9/2012, thời điểm biên độ dao động trên sàn HoSE vẫn là +/-5%. Với đà hưng phấn sau phiên ngược dòng ngoạn mục, thị trường tiếp tục bứt phá…
Với đà hưng phấn sau phiên ngược dòng ngoạn mục, thị trường tiếp tục bứt phá mạnh mẽ cùng sắc xanh, tím phủ rộng trong đó nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu quốc dân Hòa Phát (mã HPG). Lực mua “ồ ạt” nhanh chóng kéo cổ phiếu này tăng kịch trần “trắng bên bán” chỉ ít phút sau phiên ATO với dư mua hàng triệu đơn vị. Đây đã là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu đầu ngành thép tăng hết biên độ.
Với quy mô vốn hóa lớn cùng với lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) khổng lồ, HPG không có nhiều phiên trần trong những năm gần đây. Việc cổ phiếu này “tím lịm” 2 phiên liên tiếp lại càng hiếm. Lần gần nhất hiện tượng này xảy ra đã cách đây hơn 10 năm kể từ tháng 9/2012 – thời điểm biên độ dao động trên sàn HoSE vẫn là +/-5%. Kể từ khi HoSE áp dụng biên độ +/-7% từ đầu năm 2013 đến nay, chưa bao giờ cổ phiếu đầu ngành thép tăng trần 2 phiên liên tiếp.
Trước đó, HPG đã liên tục giảm sâu từ sau khi đạt đỉnh hồi tháng 10/2021 và có thời điểm đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2020. Hai phiên bứt phá mạnh mẽ mở ra hy vọng kết thúc giai đoạn dò đáy “mệt mỏi” kéo dài suốt nhiều tháng qua. Dù vậy, thị giá HPG vẫn còn thấp hơn gần 68% so với đỉnh. Vốn hóa cũng theo đó mất 172.400 tỷ đồng (~7,2 tỷ USD) sau hơn một năm.
Một tín hiệu tích cực nữa đến với cổ đông Hòa Phát là sự trở lại của khối ngoại thời gian gần đây. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu HPG trong 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 640 tỷ đồng. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng trên HPG trong tháng 10 và tiếp tục nối dài xu hướng cho đến những ngày đầu tháng 11.
Với việc dòng vốn từ khu vực Đông Á và Thái Lan đang không ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF, cổ phiếu HPG có thể sẽ tiếp tục được mua ròng nhờ hiện diện trong nhiều rổ chỉ số quan trọng như VN30, FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam 30 Index,… Ngoài ra, một số quỹ ngoại chủ động thuộc Dragon Capital, VinaCapital,… cũng có thể đã gom lại cổ phiếu đầu ngành thép sau giai đoạn giảm sở hữu trước đó.
Tín hiệu hồi phục xuất hiện dù khó khăn vẫn còn
Giai đoạn dò đáy của cổ phiếu HPG đi kèm với tình hình kinh doanh không mấy khả quan của ngành thép nói chung và Hòa Phát cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp đầu ngành thép lần đầu lỗ quý kể từ năm 2008 với khoản lỗ ròng gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm, biên lãi gộp mỏng và lỗ tỷ giá.
Biên lãi gộp quý 3/2022 chỉ đạt 2,9%, giảm mạnh từ mức 17,5% trong quý 2 do lượng tồn kho than cốc giá cao từ quý trước đó. Trong khi đó, trung bình giá HRC quý 3 giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ ống thép và tôn mạ yếu (HRC là đầu vào để sản xuất 2 sản phẩm này).
Ngành thép nội địa đang đứng trước nhiều thách thức: (1) thị trường bất động sản định trệ, (2) giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm giá than cốc, thép phế), (3) lãi suất tăng cao và đồng VND yếu. Hàng loạt nhà sản xuất thép hàng đầu như HPG, POM, VN-Steel đã thông báo đóng cửa một phần các dây chuyền sản xuất.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất quý 3/2022 đã giảm 7% so với cùng kỳ. VNDirect ước tính tổng hàng tồn kho cuối quý 3/2022 của các doanh nghiệp thép niêm yết đã giảm 22,5% so với quý trước đó kéo theo số ngày tồn kho bình quân giảm xuống chỉ còn 101 ngày từ mức 126 ngày trong quý 2/2022.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng ngành thép đang có một số tín hiệu có thể là tiền đề cho sự hồi phục như (1) giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại, (2) Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và (3) đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Mặc dù giá bán HRC của Hòa Phát đã liên tục giảm trong tháng 10-11, VNDirect kỳ vọng biên lãi gộp sẽ phục hồi dần trong quý 4/2022 nhờ chi phí đầu vào bình quân thấp hơn khi lượng hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận một phần trong quý 3 vừa qua. Giá nguyên vật liệu đầu vào giao ngay cũng đang dần trở lại mức bình thường.
Theo VNDirect biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ sớm chạm đáy, tuy nhiên tốc độ phục hồi khá chậm do nhu cầu thép yếu. Biên lãi gộp năm 2022/23/24 có thể đạt lần lượt 14%/14,6%/15,8%, thấp hơn dự phóng trước đó do (1) trung bình giá bán thép giảm lần lượt 1,6%/2,7%/2,8% và (2) giá than cốc tăng lần lượt 9,1%/28%/13,6%.
Dù vậy, VNDirect vẫn giảm khoảng 45,3-52,6% dự phóng lợi nhuận ròng của Hòa Phát giai đoạn 2022-24 chủ yếu đến từ việc phản ánh kết quả thất vọng trong quý 3, trong đó sản lượng tiêu thụ thép giảm 4,5% và biên lãi gộp thu hẹp so với dự báo trước đó.
Nhịp Sống Thị Trường
Trả lời