Đồng USD biến động mạnh trong phiên 2/11 – ngày kết thúc kỳ họp tháng 11, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết còn quá sớm để thảo luận về việc tạm dừng tăng lãi suất, vì “không có nghĩa rằng lạm phát đang…
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch, sau khi Fed quyết định lần thứ 4 liên tiếp tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên mức khoảng 3,75% đến 4,00%, đúng như dự đoán. Lãi suất chính sách của Mỹ đã không cao như vậy kể từ đầu năm 2008 và tốc độ di chuyển của Fed trong năm nay – thắt chặt 375 điểm cơ bản – là chưa từng có kể từ khi mức tăng lãi suất cứng hơn rất nhiều mà cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã viện đến vào những năm 1980.
Với động thái đó của Fed, các thị trường ban đầu nhận định thái độ của Fed là “ôn hòa” và là tín hiệu cho thấy tốc độ tăng lãi suất trong tương lai sẽ chậm lại.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo lúc kết thúc cuộc họp, ông Powell tuyên bố rằng một sai lầm trong việc không thắt chặt chính sách tiền tệ đủ sẽ có nguy cơ khiến lạm phát trở nên cố thủ.
Ông nói: “Nếu bạn thắt chặt ít hơn mức cần thiết, sau một hoặc hai năm bạn sẽ nhận ra rằng bạn chưa kiểm soát được lạm phát”.
Do đó, DXY hồi phục mạnh lên 111,53 lúc kết thúc phiên 2/11, tiếp tục tăng sau đó, lúc 9h sáng ngày 3/11 đạt 111,95.
Ông Powell cho biết, nhiều khả năng sẽ một sự thay đổi trong tốc độ tăng lãi suất có thể đến trong cuộc họp tiếp theo của Fed vào tháng 12. Tuy nhiên, ông cảnh báo về sự không chắc chắn về việc lãi suất cần phải tăng cao như thế nào, và có thể sẽ cao hơn những gì mà các nhà hoạch định chính sách nghĩ trước đây.
Lãi suất của Mỹ.
Fed duy trì tốc độ tăng lãi suất nhưng mở ra cánh cửa cho việc giảm tốc độ thắt chặt chính sách trong tương lai để cân bằng gủi ro giữa lạm phát cao và căng thẳng kinh tế do tiền tệ bị thắt chặt.
Kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed có thể giảm bớt sự tích cực trong các đợt tăng lãi suất đã đè nặng lên đồng USD trong những tuần gần đây, xóa đi những kỳ vọng về việc lãi suất của Mỹ có thể nâng giá USD tăng lên cao nữa.
Diễn biến đồng USD.
Giá cả tăng là mối quan tâm hàng đầu được trích dẫn trong các cuộc thăm dò dư luận và trong số các nhà đầu tư, và là tâm điểm của sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa đối với chính quyền ông Biden trước cuộc bầu cử quốc hội vào tuần tới.
Dữ liệu kể từ cuộc họp chính sách ngày 20-21/9 của Fed cho thấy vấn đề lạm phát không có nhiều tiến triển khi tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Thị trường việc làm cũng duy trì mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã bắt đầu tỏ ra lo lắng rằng việc nâng chi phí đi vay quá mạnh có thể đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái không cần thiết, lưu ý rằng một số cuộc khảo sát và dữ liệu cá nhân cho thấy áp lực giá bắt đầu giảm bớt.
Đồng euro kết thúc phiên vừa qua giảm xuống ở mức 0,9832 USD.
Đồng bảng Anh kết thúc phiên giảm 0,82% xuống 1.1389 USD, trước khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ đưa ra quyết định chính sách vào thứ Năm (3/11) với dự kiến lã suất sẽ được điều chỉnh tăng 75 điểm cơ bản.
Đồng yên, giảm khoảng 22% so với đồng đô la trong năm nay, giảm xuống 147,338 JPY/USD trong phiên vừa qua, khi các nhà giao dịch cảnh báo về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ can thiệp xung quanh cuộc họp của Fed.
Các nhà chức trách Nhật Bản được cho là đã can thiệp nhiều lần vào thị trường ngoại hối kể từ tháng 9 để kéo đồng yên tăng lên khỏi mức thấp nhất trong 32 năm.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết các biện pháp can thiệp vào tiền tệ của Nhật Bản là hoạt động bí mật nhằm tối đa hóa tác động của động thái thâm nhập vào thị trường, sau khi chính phủ chi kỷ lục 43 tỷ USD để hỗ trợ đồng yên vào tháng trước.
Đồng đô la Úc và đô la New Zealand, vốn nhạy cảm với các yếu tố rủi ro, đã tăng vào thứ Tư, được thúc đẩy bởi đà tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giữa bối cảnh hy vọng thị trường nhà ở đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ “hạ cánh an toàn”.
Đồng đô la Canada tăng trong hiên vừa qua khi Ngân hàng Trung ương Canada để ngỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung lớn hơn bình thường. Đô la Canada được giao dịch ở mức tăng 0,12% lên 1,369 CAD/USD, hoặc 73,53 cent Mỹ, sau khi dao động trong phạm vi từ 1,3587 đến 1,3635 CAD.
Nhân dân tệ tăng giá trong phiên vừa qua khi USD giảm. Phiên vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham khảo của CNY ở mức 7,2197 CNY/USD, giảm 116 pips hay 0,16% so với mức cố định trước đó là 7.2081. Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ kết thúc phiên vừa qua tăng 90 pip lên 7,2720 CNY.
Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 2/11 giảm điểm mạnh do bình luận của Chủ tịch Fed đã phá vỡ sự lạc quan ban đầu. Các nhà đầu tư đã dự đoán rộng rãi về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, trong khi hy vọng Fed sẽ phát tín hiệu sẵn sàng bắt đầu giảm bớt các đợt tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng còn “quá sớm” để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất đã khiến cổ phiếu giảm mạnh.
“Đó là một bài phát biểu, có lẽ đó là một khoảnh khắc của sự thất vọng. Tôi không nghĩ ông ấy nên làm theo cách ông ấy đã làm”, Stephen Massocca, phó chủ tịch cấp cao của Wedbush Securities ở San Francisco, cho biết.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên 2/11 giảm 505,44 điểm, tương đương 1,55%, xuống 32.147,76, S&P 500 mất 96,41 điểm, tương đương 2,50%, xuống 3.759,69 và Nasdaq Composite giảm 366,05 điểm, tương đương 3,36%, xuống 10.524,80.
Chứng khoán châu Á chứng kiến dòng tiền chảy vào tháng 10 ít ỏi, sau khi bán ra ồ ạt trong cùn tháng, và các nhà phân tích cho rằng lo ngại về suy thoái toàn cầu và đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ đè nặng lên dòng tiền ngắn hạn vào khu vực.
Chứng khoán Châu Á giảm điểm theo chứng khoán phương Tây. Chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á – Thái Bình Dương (châu Á trừ Nhật Bản) mở cửa phiên 3/11 giảm 0,9%, với chứng khoán Hàn Quốc giảm 1,5%.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc cho thấy người nước ngoài đã mua cổ phiếu trị giá ròng 53 triệu USD trong tháng 10. Vào tháng 9, họ đã bán số cổ phiếu trị giá ròng 8,8 tỷ USD.
Tháng 10, chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương giảm 1,97%, so với mức tăng 6% của MSCI World .
Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu châu Á hàng tháng.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng vọt vào cuối phiên vừa qua, kết thúc phiên đạt 20.695 USD. Tuy nhiên, bước sang ngày 3/11, giá quay đầu giảm. Lúc 9h sáng ngày 3/11 Bitcoin có giá 20.270 USD. Biến động tỷ giá tiền tệ sau cuộc họp của Fed cũng tác động lên thị trường tiền điện tử.
Giá Bitcoin ngày 2/11.
Giá vàng biến động mạnh, tăng vọt hơn 1% sau khi Ngân hàng trung ương Mỹ báo hiệu việc có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, nhưng giảm trở lại vào cuối phiên sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc tạm dừng tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 2/11 giảm 0,5% xuống 1.640,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,02% lên 1.650 USD.
Kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự đoán giá vàng sẽ trung bình 1.712,50 USD/ounce vào năm tới.
Tham khảo: Reuters, Coindesk
Nhịp sống thị trường
Trả lời