Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 15%. Ước tính, số cổ phần trong tay Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng. ACB: Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn…
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ngược dòng tăng điểm ngoạn mục, trong đó ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu là một trong những cái tên gây ấn tượng nhất. Cổ phiếu cuả nhà băng này đóng cửa phiên 12/1 tăng 2,18% qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới 25.800 đồng/cp.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 15% thị giá. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm gần 16.000 tỷ, qua đó chạm ngưỡng 100.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD). Đây là mức vốn hóa kỷ lục mà ngân hàng này từng chạm đến kể từ khi cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
ACB chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đã lên đến hơn 38.840 tỷ đồng. Con số này đưa ACB trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành, chỉ sau VPBank, MB và 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank).
Nhà băng này niêm yết trên sàn chứng khoán rất sớm từ tháng 10/2006. Thời điểm đó, vốn điều lệ của ACB mới chỉ ở mức 1.100 tỷ và vốn hóa sau phiên giao dịch đầu tiên vào khoảng 14.300 tỷ đồng. Sau khi lên sàn, cổ phiếu ACB có nhiều biến động mạnh nhưng chủ yếu theo chiều hướng không mấy khả quan, thậm chí có thời điểm chạm đáy sau biến cố năm 2012.
Sau thời gian dài “ngụp lặn” vùng đáy, cổ phiếu ACB bắt đầu đi lên mạnh mẽ từ năm 2017. ACB từng có thời điểm là cái tên giá trị nhất sàn HNX trước khi chuyển niêm yết sang HoSE hồi tháng 12/2020. Thời điểm chào sàn HoSE, ngân hàng có vốn điều lệ 21.676 tỷ cùng mức định giá lên đến 57.000 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD). Đến nay con số này đã tăng gần gấp đôi.
Nhìn chung, biến động cổ phiếu ACB trong quá khứ sự đồng pha nhất định với tình kết quả kinh doanh của ngân hàng. Trong giai đoạn khó khăn 2012-2016, lợi nhuận của ACB chỉ đâu đó khoảng trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2017, nhà băng này bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực, lợi nhuận liên tục tăng mạnh qua từng năm và đạt đỉnh vào năm 2022 với hơn 17.100 tỷ đồng.
Năm 2023, ACB kỳ vọng sẽ phá kỷ lục trên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, ACB đạt hơn 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả đạt được, ngân hàng đã thực hiện được 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Trên thực tế, ngoài tình hình kinh doanh và biến động giá cổ phiếu, ACB còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận với những câu chuyện xoay quanh vị Chủ tịch HĐQT đa tài. Còn nhớ cách đây 7 tháng, trong GALA kỷ niệm 30 năm thành lập của ACB tối 4/6/2023, ông Trần Hùng Huy đã gây bất ngờ cho toàn bộ khán giả khi vừa đàn, hát, nhảy trình diễn ca khúc “Always Remember Us This Way” và “Cô Đơn Trên Sofa”. Sức nóng của màn nhảy dưới mưa sau đó không chỉ lan trong cộng đồng “banker” mà còn được toả khắp các trang mạng xã hội.
Cổ phiếu ACB lập đỉnh lịch sử mới với vốn hóa cao kỷ lục mang lại niềm vui lớn cho cổ đông của ngân hàng và đương nhiên ông Trần Hùng Huy cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo quản trị công bố gần nhất ngày 21/7/2023, Chủ tịch ACB đang trực tiếp nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,43%). Ước tính, số cổ phần trong tay ông Trần Hùng Huy có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường