(Chinhphu.vn) – 150 chiếc xe buýt điện do Nhà máy Kim Long Motor Huế sản xuất có màu xanh kết hợp màu vàng, phục vụ hành khách trên 17 tuyến xe buýt kết nối tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại TPHCM. Xe buýt kết nối tuyến…
Dự kiến, ngày 22/12 tới, tuyến Metro số 1 ở TPHCM sẽ chính thức hoạt động. Trong đó, các loại hình vận tải kết nối với tuyến đường sắt đô thị này được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là hệ thống xe buýt.
Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, việc vận hành những tuyến xe buýt kết nối các nhà ga thuộc tuyến Metro số 1 sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Để tạo phương án nhận diện riêng và đặc thù của các tuyến xe buýt kết nối Metro số 1 theo hướng khắc họa rõ nét cũng như nâng cao nhận diện của người dân đối với hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông vận tải đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng xây dựng các phương án nhận diện xe buýt kết nối các nhà ga thuộc tuyến Metro số 1.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Trung tâm GTCC), nhận diện xe buýt bằng hình ảnh là phương án giúp ngườỉ dân có thể nhận biết được tính chất của tuyến thông qua các yếu tố như: Màu sắc, số hiệu tuyến, tên tuyến, logo, họa tiết, hình ảnh đặc trưng.
Do đó, Trung tâm GTCC đã xây dựng phương án nhận diện xe buýt kết nối các nhà ga thuộc tuyến Metro số 1 với màu sắc thể hiện hài hòa giữa sự kết hợp của các màu đặc trưng như hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (màu xanh dương), tàu Metro số 1 (màu xanh và trắng), màu sắc chủ đạo của TP. Thủ Đức (màu vàng), đồng thời có màu xanh lá để thể hiện hướng tới phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, số hiệu tuyến và tên tuyến được thể hiện bằng đèn LED. Logo thể hiện logo của Trung tâm GTCC kết hợp logo của tuyến đường đô thị TPHCM. Họa tiết và hình ảnh đặc trưng được sử dụng là hình ảnh hoa hướng dương – biểu tượng của TP. Thủ Đức.
Dựa trên ý tưởng chung này, Trung tâm GTCC đề xuất 5 phương án thiết kế. Sau đó, phương án số 4 được Sở Giao thông vận tải TPHCM và các bên liên quan lựa chọn.
Cụ thể, phương án này có màu xanh lá kết hợp màu vàng. Màu sắc bên ngoài xe cách điệu thành các đường gợn sóng, hài hòa của màu xanh và vàng, giúp việc nhận diện xe buýt chân thực. Số hiệu tuyến và tên tuyến bằng đèn LED phía trước và sau xe.
Trung tâm GTCC đề nghị Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Futabuslines) – đơn vị thầu xe buýt đảm bảo lượng xe vào hoạt động trên 17 tuyến, phối hợp với nhà cung cấp để làm phương án nhận diện như nêu trên.
Theo đại diện Công ty Phương Trang, toàn bộ các xe buýt kết nối Metro số 1 đều là xe buýt điện, thân thiện với môi trường. Xe buýt điện do Nhà máy Kim Long Motor Huế sản xuất với công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng vượt trội. Công ty đã thắng thầu để cung cấp 400 xe điện phục vụ kết nối Metro số 1. Giai đoạn 1, Công ty cung cấp 150 xe buýt điện để phục vụ cho 17 tuyến kết nối với Metro số 1.
Còn theo đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM, người dân có thể dễ dàng đi đến các ga của Metro số 1 bằng hệ thống 17 tuyến xe buýt gom đang được các đơn vị tập trung chuẩn bị. Các tuyến buýt này sẽ hoạt động tại khu vực dọc theo hành lang tuyến Metro số 1 và đón hành khách từ các đường lân cận đến các nhà ga gần nhất.
17 tuyến kết nối ga metro số 1
Tuyến 153: Tàu thủy Bình An – đường Liên Phường (kết nối nhà ga An Phú), tuyến 154: Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi – Masteri An Phú (kết nối nhà ga Rạch Chiếc, ga An Phú), tuyến 155: Bến xe buýt Sài Gòn – Nhà hát thành phố (kết nối nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son), tuyến 156: Bến xe buýt Sài Gòn – Ga Hòa Hưng (kết nối nhà ga Bến Thành), tuyến số 157: Bến xe buýt Văn Thánh – Chung cư Đức Khải (kết nối nhà ga Thảo Điền).
Tuyến số 158: Bến xe buýt Văn Thánh – Cư xá Thanh Đa (kết nối nhà ga Tân Cảng), tuyến số 159: Chung cư Ngô Tất Tố – Ngã tư Hàng Xanh (kết nối nhà ga Văn Thánh), tuyến số 160: Ga Văn Thánh – Vinhomes Central Park (kết nối nhà ga Văn Thánh), tuyến số 161: Bến xe Văn Thánh – Bến xe Ngã Tư Ga (kết nối nhà ga Tân Cảng), tuyến số 162: Chung cư Man Thiện – Trường THCS Hoa Lư (kết nối nhà ga Bình Thái và nhà ga Thủ Đức), tuyến số 163: Cao đẳng Công Thương – Trường THCS Phước Bình (kết nối nhà ga Bình Thái), tuyến số 164: Đại học Nông Lâm – Chung cư Topaz (Kết nối nhà ga Khu công nghệ cao và nhà ga Đại học Quốc gia).
Tuyến số 165: Đại học Nông Lâm – Khu công nghệ cao (kết nối nhà ga Khu công nghệ), tuyến số 166: Đại học Quốc gia – Suối Tiên (kết nối nhà ga Đại học Quốc gia), tuyến số 167: Đại học Nông Lâm – Khu chế xuất Linh Trung 1 (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao), tuyến số 168: Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Ngã tư Bình Thái (kết nối nhà ga Bình Thái, ga Thủ Đức), tuyến số 169: Vincom Thủ Đức – Ngã tư Tây Hòa (kết nối nhà ga Bình Thái).
Vũ Phong