Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng ổn định
Trong quý II-2023, nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đã đạt những kết quả khả quan, tích cực. Điển hình là lĩnh vực bưu chính, ước tính trong quý II-2023, sản lượng bưu gửi ước đạt 560 triệu bưu gửi (tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 7,7% so với quý I-2023), doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 14.100 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5,2% so với quý I-2023). Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông cũng đạt những kết quả khởi sắc khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động tính đến hết tháng 5-2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 4-2023.
Cũng trong quý II-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra, xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực viễn thông; tần số; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiên quyết thu hồi gần 1 triệu thuê bao trong tổng số 3,84 triệu thuê bao di động thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin cho đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
|
Bên cạnh đó, Cục Tần số (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về tần số. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện như không có giấy phép, sử dụng thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép,… Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xử phạt 43 vụ vi phạm, trong đó, phạt tiền 26 vụ; cảnh cáo, nhắc nhở 17 vụ.
Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động; yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản vi phạm, kênh youtube có nội dung độc hại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của ứng dụng TikTok tại Việt Nam.
Tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong ngành thông tin và truyền thông tiếp tục phát huy ưu điểm, thế mạnh, đồng thời khắc phục những khó khăn còn tồn tại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá chuyển đổi số là vấn đề được người dân và xã hội quan tâm, vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phải thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách thực chất, cụ thể, chi tiết từ thể chế đến công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với sở thông tin và truyền thông tại địa phương tập trung xử lý các công việc, vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, cần có những hành động cụ thể để tạo ra những kết quả thiết thực.
Để giải bài toán về ứng dụng công nghệ số để xây dựng, phát triển thành phố thông minh (Smart City), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, muốn phát triển thành phố thông minh thì phải tập trung trước hết vào người dân, mọi tiện ích, dịch vụ phải hướng đến người dân, vì người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải coi kinh tế số là trọng tâm của chuyển đổi số; vì vậy, cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp, khắc phục những hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin của đội ngũ nhân lực làm việc trong ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là tại các địa phương.
Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG