Các doanh nghiệp và Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội thảo. |
Nuôi trồng, sản xuất, chế biến rong, tảo biển ở các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu, đặc biệt phải kể tới các quốc gia có nghề nuôi trồng chế biến rong biển hàng đầu thế giới hiện nay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Trong khi đó, nghề nuôi trồng rong biển ở Việt Nam mới được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong, tảo biển của Việt Nam vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Vì thế, giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, chủ yếu rong, tảo biển do các hộ nông ngư dân nuôi trồng mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ, lẻ do đó chưa thể khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế từ mặt hàng này so với tiềm năng, lợi thế của quốc gia biển.
Sản phẩm chế biến từ rong biển của doanh nghiệp Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại hội thảo. |
PGS,TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay: Chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iot và sắt, chất béo thấp, cũng như các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, C, E, và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể, do vậy rất tốt trong việc tái tạo mô, tạo độ đàn hồi của da, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hóa, làm săn da, chống lão hóa, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất, đồng tình để nghề nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (rong, tảo có khả năng hấp thụ tốt khi CO2) trong thời gian tới rất cần xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với nông, ngư dân.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.