Các đại biểu tham dự tọa đàm bàn tròn trực tiếp. |
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích rừng của nước ta là 14,79 triệu ha, gồm: 10,13 triệu ha rừng tự nhiên, rừng trồng (rừng sản xuất) 4,66 triệu ha. Cụ thể được phân theo 3 loại rừng: Rừng đặc dụng 2,20 triệu ha (rừng tự nhiên 2,10 triệu ha và rừng trồng 0,10 triệu ha); rừng phòng hộ 4,71 triệu ha (rừng tự nhiên 4,08 triệu ha và 0,63 triệu ha rừng trồng); rừng sản xuất 7,88 triệu ha (rừng tự nhiên 3,95 triệu ha và 3,93 triệu ha). Diện tích rừng được phân theo chủ quản lý: Ban Quản lý rừng đặc dụng 2,17 triệu ha (14,6% tổng diện tích rừng); Ban Quản lý rừng phòng hộ 3,03 triệu ha (chiếm 20,5%); Các tổ chức kinh tế 1,66 triệu ha; Hộ gia đình và cá nhân 3,18 triệu ha (chiếm 31,1%); cộng đồng dân 0,99 triệu ha (chiếm 6,7%); Lực lượng vũ trang và các tổ chức khác 0,33 triệu ha (chiếm 2,0%), UBND cấp xã: 3,42 triệu ha (23,1%).
Đáng chú ý, hiện nay tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 449.240 ha (rừng tự nhiên 38.565 ha; rừng trồng 410.675 ha tại 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, có 20 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 8 nhóm hộ theo hình thức hợp tác với doanh nghiệp được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS/PEFC); 43 công ty, doanh nghiệp, 31 nhóm hộ, 2 hợp tác xã được cấp chứng chỉ rừng FSC 295.659 ha, chiếm 65,8% tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ.
Một khu rừng trồng ở tỉnh Phú Yên. |
Ông Trần Nho Đạt, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý rừng Đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) cho biết: Nhờ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng đến nay, Việt Nam đã tự chủ được trên 70% nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất chế biến. Trong giai đoạn 2012-2022, trung bình mỗi năm thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 1.300 tỷ đồng. Rừng Việt Nam có nhiều tiềm năng về giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon (CO2)- rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã thu được 51,5 triệu USD, rừng ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đang đàm phán về tín chỉ carbon.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Rừng là một hệ sinh thái thống nhất. Để bảo vệ, phát triển rừng, chúng ta cần có một tư duy mới về rừng, quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Rừng không chỉ là giá trị kinh tế, mà còn là ý nghĩa đa giá trị: Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, hệ sinh thái, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với bà con, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để chúng ta phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.