Chia sẻ với báo chí, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, ngành dệt may và Vinatex vừa trải qua năm 2023 với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.
“Mặc dù đã có những dự báo trước từ nửa cuối năm 2022 về những khó khăn sẽ kéo dài sang năm 2023, nhưng tất cả những dự báo đều nhanh chóng đảo chiều. Nếu không tính năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm gần 10%”- ông Cao Hữu Hiếu thông tin.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, ngành dệt may và Vinatex vừa trải qua năm 2023 với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. |
Khó khăn như vậy nhưng các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường. Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).
Thông tin từ Vinatex cũng cho thấy, công tác chăm lo cho người lao động tiếp tục quan tâm với tổng số tiền thực hiện năm 2023 gần 110 tỷ đồng. Trong đó, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, về mức thưởng Tết, trong điều kiện khó khăn chung toàn ngành, các doanh nghiệp của hệ thống nỗ lực tìm các giải pháp ổn định việc làm, đời sống và chăm lo cho người lao động trong dịp Tết nguyên đán. Theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động ước đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương. Mức thưởng này, được đánh giá cao hơn so với mặt bằng chung (theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp dệt may ngoài ngành duy trì mức thưởng Tết từ 7-10 triệu đồng/người).
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Vinatex sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như, tổ chức gặp mặt, trao quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình; phiên chợ nghĩa tình…
Tin, ảnh: VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.