Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đồng chủ trì.

 
 Các đại biểu chủ trì hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra tại Cần Thơ sáng 4-8. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, dự kiến cả năm 2023, cả nước sẽ xuống giống được 7,1 triệu héc ta lúa các loại, với năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/héc ta. Như vậy, dự kiến sản lượng lúa hàng hóa năm 2023 đạt trên 43,1 triệu tấn – tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Theo ông Trần Duy Đông, hiện các địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ mùa và vụ thu đông năm 2023 với diện tích dự kiến tăng 50.000 héc ta so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7-2023, các địa phương trong cả nước đã thu hoạch gần 3,7 triệu héc ta – giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 – nhưng với năng suất trung bình tăng 0,8% (đạt đạt 65,7 tạ/héc ta), cho nên, sản lượng lúa đã thu hoạch trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 24,1 triệu tấn.

“Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu”, ông Trần Duy Đông cho biết.

Các địa phương xuống giống vụ thu đông, sản lượng bảo đảm cho việc xuất khẩu gạo.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn gạo với trị giá 2,26 tỷ USD; tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ước tính đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, sau khi cân đối cho các nhu cầu lúa gạo trong nước, thì lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương đạt khoảng 7,5 triệu tấn gạo.

Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi khí hậu như El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm, cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo đặc biệt trong vụ hè thu; đồng thời chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới, những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2023; đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu; để từ đó các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nắm bắt và trao đổi, giải đáp hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tin, ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.