Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tham dự, cho thấy sự đánh giá cao của Italy và các nước G7 đối với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, khi giới thiệu về các nước khách mời cùng tham dự Hội nghị, ngài Tajani giới thiệu Việt Nam là hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế, do vậy có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ về những nỗ lực để phát triển kinh tế thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo Iweala cũng nhấn mạnh, Việt Nam cùng một số thành viên đang phát triển khác là một minh chứng cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế và là một ví dụ thành công điển hình về việc thực thi đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Antonio Tajani chào đón Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự hội nghị. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu tại hội nghị, trong đó tập trung vào các ưu tiên hợp tác với các nước thành viên G7 trên nhiều khía cạnh như: Đa dạng chuỗi cung ứng; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng… Bộ trưởng cho rằng thế giới ngày nay cần hợp tác chặt chẽ, thực chất trên một số mặt như thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn. Kiên trì hợp tác đa phương, coi đó là chìa khóa để giải quyết mọi thách thức phức tạp nảy sinh. Trước xu thế gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trợ cấp hoặc dựng lên các hàng rào kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm thay thế hàng nhập khẩu, Việt Nam kêu gọi G7 và các đối tác ngay lập tức hạn chế lập các rào cản thương mại, nhất là biện pháp phi thuế quan làm gián đoạn các chuỗi cung ứng đối với những mặt hàng thiết yếu. Cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, linh hoạt và bền vững, bởi đó được xem như “huyết mạch” của mọi nền kinh tế, có vai trò quan trọng, bảo đảm dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ thông suốt. 

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam cam kết tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp G7 đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam, bởi thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Việt Nam.

 
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng. 

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gặp gỡ song phương với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Tajani; Tổng giám đốc WTO Iweala; Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay; Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa.

Quang cảnh hội nghị.  

Tại cuộc gặp với ngài Tajani, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất tổ chức khóa họp lần thứ IX của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy vào quý IV-2024 tại Hà Nội; mong muốn nhận được hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cao từ Italy trong nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chung của Liên minh châu Âu (EU), cùng xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững.

Ngoài Bộ trưởng của các nước thành viên G7, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng còn có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại và các quan chức Chính phủ từ: Ấn Độ, New Zealand, Argentina, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam cũng như đại diện từ WTO và OECD.

Gặp Tổng giám đốc WTO Iweala, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cùng với G7, Việt Nam tái khẳng định cam kết ủng hộ mọi nỗ lực và sáng kiến cải tổ WTO trên cả 3 phương diện: Giám sát, Đàm phán và Giải quyết tranh chấp; mong muốn các nước G7 đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong giải quyết dứt điểm sự bế tắc của Cơ quan Phúc thẩm (AB).

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay, hai bên cùng nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại còn nhiều tiềm năng, nhất trí triển khai các biện pháp đột phá nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 3 tỷ USD vào năm 2025, gồm: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế, mở rộng tiếp cận thị trường, thực thi hiệu quả cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do, sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước. 

Tiếp Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Brazil thúc đẩy việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – MERCOSUR. Nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp trong thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất 3 giải pháp: Tích cực trao đổi và nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết các biên bản, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; bên cạnh hợp tác thương mại, hai bên xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, công nghiệp xe ô tô…; chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử v.v…

Tin, ảnh: TRUNG VIỆT

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.