Quang cảnh buổi hội thảo.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, người dân thường sử dụng rong, tảo biển làm thực phẩm hằng ngày. Rong, tảo biển còn có khả năng hấp thụ khí CH4 (khí metan- một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính) gấp 5 lần so với cây trồng trên cạn khác. Ngoài ra, rong, tảo biển còn có thể sản xuất thành dược, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm. Nuôi trồng rong, tảo biển có thể giúp tạo sinh kế cho người dân ven biển, đặc biệt là người nghèo.

Trên thế giới, sản lượng rong, tảo biển tăng nhanh, hiện khoảng 36 triệu tấn (35 triệu tấn từ nuôi trồng) mỗi năm. Tổng kim ngạch rong, tảo biển trên thế giới khoảng 16-20 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Ở Việt Nam hiện có 827 loài rong, tảo biển, trong đó có 88 loài có giá trị kinh tế, với 3 nhóm loài chính gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Tổng diện tích nuôi trồng rong, tảo biển của Việt Nam hiện khoảng 16.500 ha, sản lượng 150 nghìn tấn/năm. Trong khi đó, rong, tảo biển được các chuyên gia thủy sản đánh giá có tiềm năng phát triển, nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang… Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng rong, tảo biển các loại đạt khoảng 180 nghìn tấn; năm 2030 là 500 nghìn tấn.

Theo TS Leonardo Mata, chuyên gia về nuôi trồng thủy sản, rong biển không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế nếu biết cách nuôi trồng phù hợp mà còn rất tốt cho hệ sinh thái biển, góp phần tạo môi trường sinh sống cho các loài thủy sản khác phát triển. Đồng thời, rong, tảo biển còn có khả năng hấp thụ, lưu trữ khí nhà kính.

 Phơi rong biển ở Vân Đồn, Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Hiện ngành rong, tảo biển của Việt Nam đang chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành hàng này. Vì thế, để ngành hàng rong, tảo biển phát triển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Thủy sản cần sớm phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ NN-PTNT và các chuyên gia thủy sản xây dựng chiến lược và kế hoạch ngành hàng này, đồng thời xúc tiến các thủ tục thành lập hiệp hội ngành hàng để cùng nhau kiến tạo ra không gian, giá trị mới cho rong, tảo biển.

Rong, tảo biển có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người, không chỉ giúp xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần nâng cao thể chất cho người Việt Nam. Trên cơ sở này, Bộ NN-PTNT sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để chính thức đưa rong, tảo biển thành một ngành hàng chính của lĩnh vực thủy sản.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.