Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vấn nạn phân lô bán nền vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều địa phương. Hệ lụy của tình trạng này thì đã rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về ai lại là câu hỏi khó trả lời khi cả bộ ngành và…
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vấn nạn phân lô bán nền vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều địa phương. Hệ lụy của tình trạng này thì đã rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về ai lại là câu hỏi khó trả lời khi cả bộ ngành và địa phương đều tự nhận mình “vô can”.
Mới đây, UBND TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã ra quyết định xử phạt hành chính với một chủ đất dù chưa được cấp phép đất dự án nhưng đã tự vẽ bản đồ phân lô, quảng cáo, rao bán “biệt thự ven sông” trên khu đất có diện tích gần 9,5ha trên mạng xã hội.
Vẫn chực chờ “bung”
Cụ thể, trước đó, khi lực lượng chức năng xã Tân Thành (TP Đồng Xoài) kiểm tra, phát hiện tại khu đất rộng gần 9,5ha thuộc thửa đất 475, tờ bản đồ số 12 (địa phận xã Tân Thành) có xe, máy móc, người đang thi công san lấp mặt bằng, làm đường.
Qua kiểm tra, chủ đất không xuất trình được giấy phép thi công và các giấy tờ liên quan. Toàn bộ khu đất được tách thành 39 thửa nhỏ và 1 thửa lớn (mỗi thửa có diện tích 1.000-1.500m2), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được phép thi công.
Một sự kiện cũng đang gây ra nhiều chú ý đang diễn ra tại xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh), khi hàng chục hộ dân tại thôn Mẫn Xá chưa chịu nhận tiền đền bù vì không đồng tình quyết định thu hồi và giao đất cho địa phương làm dự án đấu giá.
Dù vấn đề đền bù chưa được giải quyết, các khu đất ruộng đã được doanh nghiệp phân lô bán nền. Cụ thể, dự án hiện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, được phép chuyển nhượng với tên thương mại là Long Châu Star City. Các lô đất có giá 2 – 6 tỷ đồng, đã bán xong 320/340 lô, các lô này đều đã được cấp sổ đỏ.
Theo phản ánh của người dân, khu đất dự án trước đây là đất nông nghiệp. Năm 2017, UBND xã Long Châu đã ra quyết định thu hồi để giao đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá thôn Mẫn Xá.
Trong khi đó, đại diện UBND xã Long Châu cho hay, khu đất có diện tích hơn 8 ha, được xã tiến hành thu hồi và đấu giá đúng theo quy định để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Hiện, còn 70/400 hộ dân chưa nhận đền bù.
Cần có những giải pháp triệt để phân lô, tách thửa về đúng bản chất, phát huy lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho người dân (Ảnh minh họa)
Những diễn biến thực tế cho thấy tình trạng phân lô bán nền vẫn đang diễn ra âm thầm ở nhiều địa phương, và dù việc này được thực hiện theo đúng quy trình hay ngược lại thì vẫn đang gây ra những tranh cãi bởi “độ vênh” về lợi ích của người dân, địa phương và các đơn vị liên quan.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước những hệ lụy gây ra, không ít người đặt dấu hỏi về nguyên nhân tình trạng phân lô bán nền vẫn dai dẳng diễn ra ở nhiều địa phương và trách nhiệm thực sự thuộc về ai?
Mới đây, trả lời ý kiến của cử tri, Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng mua, gom đất nông nghiệp hoặc người sử dụng đất có diện tích lớn thực hiện chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất để bán trái phép.
Bộ cũng đề cập đến hiện tượng lấn chiếm, chuyển đổi đất rừng trái phép, nhất là đối với các địa bàn gần thành phố lớn và khu du lịch, đô thị… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh, xã hội.
“Tình trạng này có nguyên nhân là các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương buông lỏng quản lý, không thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng, dẫn đến các hành vi này còn phổ biến”, văn bản của Bộ TN&MT nêu.
Trong khi Bộ TN&MT quy trách nhiệm cho địa phương thì phía các địa phương lại cho rằng vấn nạn phân lô bán nền trái phép là do “lỗ hổng” của luật.
Đơn cử, ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), từng chia sẻ với báo giới rằng những năm qua, địa phương chưa thể ngăn chặn triệt để nạn bạt đồi, xẻ núi, phân lô bán nền trên đất rẫy là do vướng Luật Đất đai. Luật cho phép nên nhiều người vẫn “lách” để thực hiện.
Cũng do Luật không cấm nên cơ quan chức năng các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Trong trường hợp các vụ việc diễn ra quá “nóng”, các địa phương thường chọn biện pháp tạm dừng, sửa đổi các quyết định theo hướng nâng điều kiện trong việc phân lô.
Có thể thấy, cả bộ ngành và địa phương đều đang cho rằng mình “vô can” trong việc để tình trạng phân lô bán nền trái phép kéo dài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là lúc cả các bộ ngành và địa phương cần “bắt tay” để giải quyết tận gốc tình trạng này.
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định việc siết chặt hoạt động phân lô bán nền chỉ là giải pháp mang tính tình thế nhằm ngăn chặn tình hình sốt đất leo thang.
Thời gian tới, Luật Đất đai (sửa đổi) khi hoàn thành cần có sự phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý phân lô bán nền để hạn chế tối đa những bất cập thời gian qua. Cùng với đó, Luật cần quy định rõ ràng các giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, ngành.
Về phía địa phương, cần phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án “ma”…