Ai cũng biết báo cáo tài chính là linh hồn của một doanh nghiệp nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu của công ty đó. Để đầu tư thành công bạn phải có khả năng đọc và hiểu báo cáo tài chính của công ty đó. Và hiện tại rất…
Ai cũng biết báo cáo tài chính là linh hồn của một doanh nghiệp nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu của công ty đó. Để đầu tư thành công bạn phải có khả năng đọc và hiểu báo cáo tài chính của công ty đó. Và hiện tại rất nhiều công ty có những thủ thuật rất hay để lách hoặc dấu hoặc đánh lừa nhà đầu tư bằng các chiêu thức hạch toán hoặc trình bày báo cáo tài chính. Ví dụ, như bài báo sau, người viết bài này có ý đánh lạc hướng người đọc dù có thể bản thân DN không có dụng ý đó.
Khi tôi đọc bài báo sau trên cafef, tôi cảm thấy thật giật mình. KDH chỉ trả vỏn vẹn vài tỷ tiền lãi mỗi năm? Oh, quả là quá bất ngờ. Nếu một bạn đầu tư F0, yếu kém, thậm chí trình yếu cũng sẽ tin ngay lập tức. Tôi khi đọc qua cũng hết cả hồn. Nếu KDH chỉ tốn vài tỷ lãi vay mỗi năm thì kiểu gì cũng phải tất tay mua cp của doanh nghiệp này. Nhưng liệu điều đó có đúng? Và hiểu thế nào cho đúng, hay báo chí viết nhầm? Sau đây là bài phân tích gọn gàng, nhẹ nhàng khi tôi mất 2 phút lướt sơ báo cáo tài chính của KDH như sau:
1. Trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 của KDH, quả thực chi phí lãi vay được trình bày trên bảng Kết quả kinh doanh của KDH chỉ có 9 tỷ thật (hình 2). Nếu chỉ xem tới đây, bạn thầm nghĩ, ah thế thì báo chí nói đúng rồi và KDH quả là công ty xịn xò.
2. Giả sử bạn có chút thông minh bạn sẽ tự đặt câu hỏi, ủa vậy KDH không vay nợ sao? Thế là bạn sẽ tìm ngay số nợ trên bảng cân đối kế toán của KDH, và kết quả là KDH đang vay nợ hơn 6.700 tỷ (hình 3). Ồ, với lãi suất bằng lãi suất huy động của VCB là 7%/năm thôi thì lãi vay phải trả cũng hơn 470 tỷ rồi, kiểu gì mà chi phí lãi vay chỉ có 9 tỷ? Có bí ẩn gì đây? Hay chiêu trò gì không? Với lại riêng câu của nhà báo ghi là “tránh xa cơn bão nợ nần” là chưa chuẩn rồi. Nợ hơn 6.7k tỷ lận
3. Đương nhiên không phải bình thường rồi, nếu không biết cách đọc báo cáo tài chính thì bạn sẽ không bao giờ hiểu được. Thực chất trong năm 2022, số lãi vay đã trả của KDH là lên tới hơn 496 tỷ lận (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ – hình 4) chứ không phải như bài báo thiếu hiểu biết hoặc đánh lận câu chữ của cafef đâu. Nếu báo viết đúng thì phải ghi là “mỗi năm chi phí lãi vay chỉ vài tỷ đồng” chứ không phải “mỗi năm chỉ tốn vài tỷ lãi vay”. Nó rất khác nhau, và ở đây cafef dùng “câu chữ” để đánh lận con đen hoặc người viết không hiểu báo cáo tài chính. Thực chất chi phí lãi vay của KDH là rất cao, cao hơn 496 tỷ là chắc, vì số đã trả là 496 tỷ thì số phải trả có thể lớn hơn.
4. Vậy tại sao trên báo cáo KQKD chỉ thể hiện có 9 tỷ chi phí lãi vay? Đó là dựa vào các nguyên lý kế toán KDH đã vận dụng nó một cách khôn khéo. Khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay để mua tài sản, hoặc đầu tư dự án, họ có thể “vốn hóa chi phí lãi vay”. Vốn hóa chi phí lãi vay là gì? Thông thường chi phí lãi vay sẽ thể hiện trên báo cáo KQKD là ở mục chi phí lãi vay, một phần nằm trong chi phí tài chính. Nhưng nếu doanh nghiệp vốn hóa chi phí lãi vay, thì toàn bộ lãi vay đã trả, hoặc phải trả sẽ được hạch toán vào giá trị tài sản, làm tăng giá trị tài sản lên cao. Ví dụ, KDH đầu tư một dự án 3.000 tỷ, trong đó vay hết 2.000 tỷ, và chi phí lãi vay mỗi năm 200 tỷ, thì KDH có thể hạch toán 200 tỷ này vào hàng tồn kho (tức chi phí phát triển dự án), sau này nó sẽ được phân bổ vào chi phí giá vốn thay vì hạch toán vào chi phí lãi vay. Chính vì vậy, bạn sẽ chẳng thấy chi phí lãi vay trên báo cáo KQKD ở đâu cả, nhưng thực chất lãi vay phải trả là rất cao.
Đương nhiên việc vốn hoá chi phí lãi vay là đúng chuẩn mực kế toán chứ chẳng phải lách luật, hay phù phép gì. Nhưng Nếu chỉ đơn giản hạch toán theo chuẩn mực thì không nói gì, nhưng cố tình viết lách theo cách đánh lạc hướng thì nó lại là vấn đề khác, đặc biệt nếu bài viết được chi trả bởi doanh nghiệp. Khi đó nó không chỉ là tài chính mà còn là Quản trị sự minh bạch. Cẩn trọng nhé!
P/s trên sàn nhiều cty lách léo báo cáo tài chính lắm!
Theo facebook Vicente Nguyen
Trả lời