Quang cảnh hội nghị.

 

Từ đầu năm 2025 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn lợn tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Đối với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP): Giảm cả về diện dịch (số tỉnh có dịch giảm hơn 57%, số ổ dịch giảm hơn 72%) và mức độ thiệt hại (số lợn chết và tiêu hủy giảm gần 80%). Đối với bệnh Lở mồm long móng (LMLM): giảm cả về diện dịch và mức độ thiệt hại (số ổ dịch giảm 92,3%, số động vật mắc bệnh giảm hơn 89% và không có động vật chết, huỷ), tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ước đạt từ 5,2 đến 5,5%. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trên đàn lợn nuôi gia tăng trong thời gian tới là cao.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay chăn nuôi lợn đã chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và chăn nuôi trang trại. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 30%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại chiếm 70% tổng đàn lợn của cả nước. 

Từ cuối năm 2024 đến nay, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá lợn giống tăng cao, quy định về cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị các thị trấn, thành phố… của Luật Chăn nuôi, một số cơ sở chăn nuôi phải tạm dừng chăn nuôi ( có thời điểm trong tháng 3-2025 giá lợn hơi ở tại Đồng Nai 83.000 đồng/kg, hiện nay đã giảm), số lượng đàn lợn ở tỉnh Đồng Nai – địa phương chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước bị sụt giảm mạnh. Từ tháng 2 và 3-2025, tình trạng thiếu lợn cục bộ ở các địa phương, đặc biệt khu vực các tỉnh phía Nam đẩy giá thịt lợn hơi lên cao. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu, riêng chăn nuôi lợn năm 2025 chúng ta cần phấn đấu tăng trưởng 5,7-5,9%. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine đầy đủ cho đàn lợn, đặc biệt lợn nuôi lấy thịt, liên kết chuỗi để vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa giảm thiểu rủi ro thiệt hại khi thị trường có biến động lớn, bảo vệ môi trường.

 Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.