(Chinhphu.vn) – Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản…
Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 35% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 46% so với kế hoạch đề ra.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ những kết quả nổi bật trong 6 lĩnh vực lớn của công tác CCHC: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Về cải cách thể chế, các bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 luật, nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật.
Về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 13 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 71 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản, tăng 675 văn bản so với 6 tháng đầu năm 2022. Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1.722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Trong cải cách TTHC, trong quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%.
Cũng trong quý II/2023, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.129 quyết định công bố 14.716 TTHC, danh mục TTHC để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đã công khai 11.581 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa.
62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đến nay đã có 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan được ban hành. 18 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt lưu ý phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 quy định về tinh giản biên chế.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 25/4/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, đã có 7/20 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 5/15 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Về xây dựng chính quyền địa phương, Chính phủ đã tham mưu trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 557/CĐ-TTg về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 3 thông tư.
Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 21/2/2023 về Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022 – 2025”.
Về cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 dự án luật, 2 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 nghị định, 3 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 39 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng. 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, công tác CCHC còn một số tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.
TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng…
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, những nguyên nhân chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC ở một số nơi vẫn chưa thực sự quyết liệt; người đứng đầu ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC thuộc phạm vi quản lý; nhiều nơi, nhiều lúc còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn dẫn đến hiệu quả cải cách chưa cao.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực; trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền CCHC chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực dẫn đến các nội dung, nhiệm vụ CCHC chưa được lan tỏa sâu rộng tới tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và tới người dân, cộng đồng xã hội, tạo sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm trong triển khai CCHC.
Hà Văn