Đánh giá về kịch bản của thị trường địa ốc 2023, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bất động sản lên hay không phụ thuộc bối cảnh kinh tế chung. Tuy nhiên, kênh đầu tư này…
TS. Võ Trí Thành chỉ rõ, cơn gió ngược đầu tiên là suy thoái kinh tế thế giới, tổng cầu giảm, đơn đặt hàng nhiều mặt hàng giảm, rõ nhất là xuất khẩu.
Cơn gió ngược thứ hai là các điều kiện tài chính, tiền tệ ngặt nghèo.
Theo ông Thành, điểm tích cực một chút có thể sự ngặt nghèo về tài chính giảm dần do lạm phát thế giới qua đỉnh, mức tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn về cường độ, tần suất không như năm 2022 nữa. Do đó, áp lực đối với kinh tế vĩ mô sẽ đỡ hơn. Mặt khác, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát cao hơn thì cũng có dư địa ít nhiều cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, bên cạnh phối hợp chính sách tài khóa.
Theo TS. Thành, năm 2023, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kết cấu hạ tầng hơn 700 nghìn tỷ cùng với thực hiện tốt hơn chương trình phục hồi phát triển, trong đó có gói hạ tầng 113 nghìn tỷ sẽ góp phần làm cho bầu không khí chung và tăng trưởng kinh tế có thể giảm bớt khó khăn trong năm 2023 còn nhiều thách thức và khó khăn.
Điểm kỳ vọng cho thị trường phục hồi đó là việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, TS. Thành khái quát lại 3 nhóm giải pháp gửi lên Chính phủ, chỗ Bộ trưởng Xây dựng.
Một là liên quan tháo gỡ khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính; nhóm thứ hai là tài chính tiền tệ: Trái phiếu, tín dụng cho bất động sản trong room mới… Hiện nay, room mới khó có thể tăng mạnh, tăng cao, khác nhiều so với năm 2022 nhưng sẽ được điều hành uyển chuyển, linh hoạt hơn, cộng với một tỉ lệ nhất định sẽ giám sát. Có thể có những điều chỉnh về đánh giá rủi ro, không phải theo số tiền như trước đây mà theo phân khúc.
Ngoài ra, ông Thành đề nghị giống như gói 30.000 tỷ nên có gói hỗ trợ lãi suất đặt biệt cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tiếp đến là nhóm tái cấu trúc, trong đó có phần vĩ mô về mặt chính sách. Tức là lành mạnh hóa khu vực cao cấp hay đầu cơ, đầu tư; khu thứ hai là nhu cầu thực bao gồm nhà ở giá phải chăng, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…. Ông Thành cho rằng, nên cải tổ chính sách sẽ theo hướng đó và định hướng thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc.
“Nhiều hội nghị, hội thảo gần, các chuyên gia cho rằng, với nền kinh tế chung, trong một thế giới bất định, chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng nhiều khả năng là tình hình sẽ thuận hơn vào nửa cuối năm 2023.
Thứ hai, hy vọng niềm tin thị trường người ta sẽ xuống tiền, cộng với những chính sách tốt thì thị trường bất động sản và những vấn đề về thanh khoản, áp lực với tỉ giá, lãi suất, trong khoảng 3, 4, 5 tháng đầu năm sẽ được xử lý phần nào. Như vậy, trong khó khăn chúng ta vẫn hy vọng vào một năm mà Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, giữ được sự ổn định, an toàn hệ thống bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội”, TS. Thành nói thêm.
Nhịp sống thị trường