Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2022 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Hội thảo cũng đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, cảnh báo những nguy cơ bất ổn của thị trường bất động sản, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm sâu do đại dịch Covid-19. Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, một số vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện. Theo đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững”.

Để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, không để thị trường trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”; kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để chống đầu cơ, những nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững.

Phân tích về thị trường bất động sản 2022 và giải pháp phát triển, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Bất động sản cũng là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, vốn, xây dựng, thị trường lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP, xây dựng đóng góp 5,44% GDP và đến tháng 9-2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Thực tiễn thời gian qua, thị trường này bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh. Để giải quyết, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; kiểm soát chống đầu cơ bất động sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, xác định cơ cấu hàng hóa bất động sản phù hợp cho từng địa phương, khu vực dựa trên dự báo về dân số, thu nhập bình quân, định hướng phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 6,3-6,5% trong năm 2023. Động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đến từ các yếu tố cơ bản có triển vọng tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay gồm: Suy giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi. Lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ