(Chinhphu.vn) – Ban cán sự Đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc cải tạo, nâng cấp mở rộng…
Theo đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong giai đoạn 2026 – 2030.
Việc cải tạo, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng sẽ được thực hiện trong giai đoạn này theo quy hoạch, góp phần xây dựng và phát triển TP Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu Đuống để tăng cường năng lực vận tải trên sông Hồng; hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Cổ Tiết – Chợ Bến vào năm 2025 để triển khai đầu tư tuyến, hoàn thành trước năm 2030 theo quy hoạch;
Nghiên cứu huy động vốn đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài – Hạ Long, tuyến đường sắt vành đai nhánh phía Đông đoạn Bắc Hồng – Yên Viên – Lạc Đạo – cầu Mễ Sở – Ngọc Hồi.
Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Hà Nội đấy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), cầu vượt sông Đuống, các tuyến trục hướng tâm.
Về nguồn vốn thực hiện các mục tiêu trên, Bộ GTVT xác định ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý để phát huy tính chủ động, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời hỗ trợ địa phương trong xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô.
Cũng trong chương trình hành động, Bộ GTVT sẽ triển khai nhiều giải pháp phát triển vận tải Hà Nội đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và đảm bảo an toàn giao thông.
Theo đó, Bộ GTVT tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, hình thành, xây dựng dịch vụ logistics điện tử.
Từng bước cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển thị phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa; đổi mới, hiện đại hóa phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm luật giao thông.
Ưu tiên thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Phan Trang