Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 30-4-2024 cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.

Liên quan đến cơ chế, chính sách mua bán điện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), dự kiến trình Chính phủ trước ngày 30-4 tới.

Dự thảo 1 được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chiều 10-4 vừa qua.

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp trước ngày 30-4.

Đến nay, Dự thảo 1 của Nghị định về cơ chế DPPA đã hoàn thiện, bao gồm 6 chương, 35 điều. Gồm các quy định liên quan tới, mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp; kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện…

Trong Dự thảo này, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định rõ ràng, đi cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.

Riêng đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Dự thảo Nghị định chia thành 3 mục với các đối tượng tham gia mua bán điện khác nhau là: Mua bán điện giữa đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua thị trường giao ngay; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty Điện lực; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.