Triển khai hệ thống giao thông thông minh để quản lý đường cao tốc

(KTSG Online) – Do chưa có quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) quốc gia nên việc đầu tư các hệ thống ITS không đồng bộ, việc chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chuyên ngành chưa hiệu quả….

Fatz Admin lúc 2024-05-05

(KTSG Online) – Do chưa có quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) quốc gia nên việc đầu tư các hệ thống ITS không đồng bộ, việc chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chuyên ngành chưa hiệu quả.

Hiện chỉ có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh minh họa: N.K

TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Do chưa có quy hoạch hệ thống ITS quốc gia nên việc đầu tư các hệ thống ITS không thống nhất được các dịch vụ ITS cung cấp khiến việc chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chuyên ngành chưa hiệu quả. Các hệ thống cũng chưa có sự đồng nhất, mỗi tuyến đầu tư công nghệ khác nhau nên khó chia sẻ thông tin, khó tương tác tự động giữa các hệ thống.

QUẢNG CÁO

Đại diện Cục Đường cao tốc cho biết, hệ thống ITS có vai trò quan trọng không kém so với xây dựng tuyến đường. Việc đầu tư hệ thống ITS cần đảm bảo trung bình từ 70 – 100 km sẽ được điều hành bởi một trung tâm xử lý dữ liệu.

Hệ thống ITS bao gồm bảng điện tử, camera giám sát tự động, cung cấp thông tin về tình trạng tuyến đường, mật độ xe, sự cố… giúp lái xe kịp thời nắm bắt. Có hệ thống này, khi xảy ra tai nạn, trung tâm xử lý dữ liệu có thể phát hiện và điều phối kịp thời lực lượng cứu hộ đến hiện trường.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện chỉ có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS, gồm Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hạ Long – Vân Đồn, TPHCM – Long Thành, Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo quy hoạch đường bộ cao tốc, Việt Nam sẽ có 41 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.000 km. Đến nay, cả nước đã có 34 tuyến với tổng chiều dài 1.829 km đưa vào khai thác. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc.

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.