Ngày 11-7, ở Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.
2 quý cuối năm, tăng trưởng liệu có bứt tốc?
Tại tọa đàm, dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, PGS, TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng 8% và lạc quan hơn là 8,9%.
Theo kịch bản 1, dự kiến GDP cả năm dự kiến chỉ tăng 6% (tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8%), trong đó, tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%; quý IV là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm.
Kịch bản 2, nếu tăng trưởng cuối năm đạt 8,9%, chúng ta sẽ về đích đúng theo kỳ vọng của Chính phủ đề ra đạt GDP cả năm là 6,5%. Như vậy, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Các mức tăng này lần lượt cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm là 0,9 và 3,2 điểm phần trăm.
Quang cảnh tọa đàm. |
Dù kịch bản đã được nghiên cứu một cách tổng thể song PGS, TS Nguyễn Đức Trung lại rất trăn trở khi hoạt động xuất nhập khẩu ảm đạm bởi chịu tác động từ sự sụt giảm của tổng cầu thế giới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I, II chỉ đạt 316,73 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% (6 tháng đầu năm 2022 tăng 17,3%); nhập khẩu đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18% (6 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5%).
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Trung cho rằng, quý III, quý IV được kỳ vọng rất lớn để bứt tốc về đích trong năm 2023 với sự nỗ lực, cố gắng hiệp đồng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại khi 6 tháng đầu năm 2023, đã có 91.195 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 21,6% so với cùng kỳ và 8.831 doanh nghiệp đang chờ giải thể, tăng 2,8% so với cùng kỳ…
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng 6,5%, ThS Trần Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành.
Theo đó, ngành công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, xuất, nhập khẩu giảm, chịu tác động rõ nét hơn từ sự sụt giảm mạnh nhu cầu tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc. Dư nợ tín dụng tăng thấp cho thấy khó khăn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế với nhiều doanh nghiệp vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn sau giai đoạn chống dịch Covid-19 nay lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp…
Các đại biểu dự tọa đàm. |
Nhận diện đúng hơn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh, đừng chỉ nhìn vào con số hơn 75.874 doanh nghiệp mới thành lập mà cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc.
“Doanh nghiệp chết đi là chết thật, còn doanh nghiệp gia nhập mới liệu có thật hay không? Vậy tăng trưởng 6 tháng còn lại dựa trên cơ sở nào?”, PGS, TS Trần Đình Thiên nêu vấn đề.
Trong bối cảnh hiện nay, theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta cần nhận diện lại cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế thực, quan hệ nội lực và ngoại lực. Đặc biệt nhận diện nghiêm túc vấn đề thể chế, không thể cơi nới chính sách, cần có giải pháp khác thường, thực thi được, đi sâu vào cấu trúc thể chế.
“Cùng với sự cộng hưởng cái khó từ bên ngoài và do nền kinh tế mở trong khi “sức khỏe yếu, gió to, nhất là gió độc”, điều này càng cho phép nhận diện đúng hơn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế dựa vào lao động rẻ”, PGS, TS Trần Đình Thiên nói và nhấn mạnh quan điểm, sau 2-3 năm Covid-19, nền kinh tế kiệt quệ, do đó chúng ta không thể xử sự như nền kinh tế bình thường được.
Tin, ảnh: HỒNG PHÚC