Năm 2023, dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm nay.
Điều này đặt ra áp lực lớn đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Bài toán bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn cho toàn quốc phải đối diện với nhiều thách thức.
Quang cảnh tọa đàm. |
Trong khi đó, năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa khô sẽ diễn ra nghiêm trọng. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn 15 – 35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn 15 – 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn 10 – 25% so với trung bình nhiều năm.
Từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo sát sao đối với ngành điện nhằm tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu mùa khô năm 2023, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động rất mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình tiết kiệm điện ở các địa phương phối hợp với các bộ, ngành, các chính quyền địa phương và với các khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn để quán triệt, tăng cường công tác tiết kiệm điện trên toàn quốc. “Bộ Công Thương sẽ xây dựng và sớm ban hành các cơ chế thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó, có chính sách thúc đẩy chuyển dịch thị trường tiêu thụ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng”- ông Trịnh Quốc Vũ cho hay.
Ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ tại tọa đàm. |
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, địa bàn Hà Nội và miền Bắc nói chung có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn rất nhiều so với từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào. Để bảo đảm cấp điện cho người dân, điện lực Hà Nội tăng cường và nâng cao vấn đề tuyên truyền, vận động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong năm 2023, đặt mục tiêu tiết kiệm 1,7 – 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; mục tiêu 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng lên để đạt được mong muốn của thành phố.
“Đối với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng để vận động doanh nghiệp thay đổi dần, chuyển đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn trong tất cả các ngành liên quan đến công nghiệp. Đặc biệt, ngành điện sẽ chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp vào hệ thống quản lý năng lượng. Trong năm 2023, điện lực Hà Nội cũng dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.
Tại tọa đàm, các ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế đồng hành với doanh nghiệp chuyển đổi dần các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng.
Tin, ảnh: VŨ DUNG