10 dự án trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020
Ngày 22-11-2017, Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết 52/2017/QH14về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Các đoạn tuyến được đầu tư, gồm: đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng chiều dài khoảng 654km.
Các đoạn tuyến thuộc dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 10 đoạn tuyến cao tốc và cầu Mỹ Thuận 2. Dự án thành phần đầu tiên được khởi công vào tháng 9-2019 (đoạn Cam Lộ – La Sơn).
Tính đến nay, 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 đã được đưa vào khai thác (bao gồm hai dự án thành phần được thông xe vào đầu tháng 9-2023 là QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu).
Hai đoạn tuyến cao tốc còn lại và cầu Mỹ Thuận 2 đang tiếp tục được triển khai thi công. Trong đó, dự án thành phần cuối cùng sẽ được hoàn thành vào tháng 5-2024 (đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt).
12 dự án trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025
Hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 44/2022/QH15 thông qua về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Các đoạn được đầu tư trong giai đoạn này, gồm: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần, đi qua 12 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 729km.
Với hàng loạt chính sách đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện, sau gần 1 năm thần tốc triển khai các thủ tục đầu tư, 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được chính thức khởi công xây dựng từ ngày 1-1-2023.
Hiện tại, các dự án đang trong quá trình triển khai thi công. Theo lộ trình, 12 dự án thành phần này sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Thông tin chung về tuyến đường cao tốc Bắc – Nam
Hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng khi đi qua 32 tỉnh, thành phố, tác động đến hơn 62% dân số, đóng góp gần 66% tổng sản phẩm trong nước, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 2.000 km. Tính đến cuối năm 2021 (thời điểm Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chủ trương đầu), có 756 km cao tốc chưa được đầu tư nên việc khai thác chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả.
Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra về đột phá kết cấu hạ tầng, phấn đấu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, có 5.000 km vào năm 2030. Thời gian qua, hàng loạt cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng triển khai để bứt tốc tiến độ dự án như: cho phép chỉ định thầu xây lắp; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc liên quan đến đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác trực tiếp…
Nhờ đó, chỉ trong nửa nhiệm kỳ vừa qua (2021-2023), ngành giao thông đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Nếu giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc; giai đoạn 2011-2020 đưa vào khai thác thêm 1.074 km thì chỉ trong nửa nhiệm kỳ qua, gần 600 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km.
Chỉ trong 3 năm, chiều dài đường cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.
Theo Báo Giao thông
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan