Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử cho Việt Nam còn một số hạn chế, đó là rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu xuyên biên giới.

Vậy, làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam? Giải pháp nào cần triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tận dụng hiệu quả các lợi thế của các kênh thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cũng như đưa sản phẩm này thâm nhập vào thị trường quốc tế?

Tại Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 19-10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.

 Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm Thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử.

Thời gian qua cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường.

Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo,… triển khai các thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn thương mại điện tử nói riêng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chỉ ra những khó khăn, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam bày tỏ: Khó khăn nhất với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị có sẵn trên sàn… dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng tốt những công cụ kỹ thuật số mà các nền tảng cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Không những vậy, nhiều khi sản phẩm không đảm bảo về thời gian giao hàng, tiến độ giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng.

Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục mở ra hành trình xuất khẩu cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt ở các thị trường có các hiệp định thương mại tự do.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.