Hội thảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và toàn diện về các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp cũng như kết quả cung cấp tín dụng cho ĐBSCL nói chung và cho các ngành hàng nông sản chủ lực nói riêng trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhằm đánh giá những kết quả trong việc triển khai cũng như những hạn chế, bất cập của các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện hành, đặc biệt là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung; chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL như: Lúa gạo, thủy sản; cũng như những khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng trong việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng; thảo luận, đề xuất sửa đổi các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới; các giải pháp thúc đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL từ 3 phía: Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu tham gia hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”. 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Nơi đây chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản; ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản…

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn như rủi ro, thiên tai, biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún; thiếu minh bạch và quản lý tài chính. Do vậy, việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

“Để ĐBSCL phát triển bền vững, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía bà con nông dân, doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới”, đồng chí Trần Việt Trường cho biết.

Tin, ảnh: QUANG ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.