Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết: Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. |
Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu sự phục hồi, đồng thời kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự quan trọng của kinh tế tuần hoàn được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh bền vững. Nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, tạo ra một hệ thống kinh tế bền vững hơn, cân bằng giữa sự phát triển kinh tế, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hội thảo là nơi truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm các phương thức sáng tạo để tận dụng tài nguyên, tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. |
Đề án đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại hội thảo, các diễn giả tập trung trao đổi về một số mô hình khởi nghiệp như: Tái chế thực phẩm thông qua việc sử dụng phụ phẩm để tạo ra các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, giảm thiểu rác thải, ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị từ các tài nguyên tái chế. Các đại biểu cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh mới hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng trí tuệ nhân tạo…
Tin, ảnh: LA DUY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.