Quang cảnh hội nghị thúc đẩy các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, ngay sau khi quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công bố, các tỉnh, thành trong vùng và các Bộ ngành liên quan đã đề xuất 16 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có 2 dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 14 dự án thuộc các địa phương. Tổng nguồn vốn vay nước ngoài lên đến 2,8 tỷ USD (tương đương khoảng 66.282 tỷ đồng) và vốn đối ứng trên 28 nghìn tỷ đồng.

“Hội nghị nhằm nhìn lại bức tranh tổng thể của toàn bộ 16 đề xuất dự án trao đổi về các vướng mắc, khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị và đề ra giải pháp tháo gỡ, nỗ lực để các dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất”, đồng chí Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trên tinh thần gợi ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu đã trao đổi và thống nhất với các đối tác phát triển về lộ trình, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt và triển khai các dự án Mekong DPO; khả năng huy động và cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án; cân nhắc về việc đơn giản hóa quy trình thủ tục đối với các dự án.

Thông qua thảo luận nhằm cùng nhau rà soát, để các bộ, địa phương khẩn trương cập nhật, hoàn thiện đề xuất dự án đảm bảo đáp ứng các tiêu chí: Đúng quy định có liên quan của Việt Nam và nhà tài trợ; đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu; phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch của địa phương và các quy hoạch quốc gia có liên quan; định mức, hiệu quả đầu tư; tính khả thi, bền vững; sự phù hợp của điều kiện nguồn vốn vay nước ngoài; khả năng vay, trả nợ và bố trí vốn đối ứng…

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan. 

Tin, ảnh: THÚY AN