Trong khi tiền gửi không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng sụt giảm thì ở VietinBank lại tăng mạnh. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 15.765 tỷ đồng, tăng…
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 15.765 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 4.156 tỷ, tăng 35,8%.
Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính mang về cho VietinBank 35.082 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2021. Riêng quý III, thu nhập lãi thuần tăng gần 31% lên 12.924 tỷ đồng.
Theo VietinBank, thu nhập lãi thuần tăng trong quý vừa qua nhờ nỗ lực của ngân hàng trong việc tối hưu hạn mức tăng trưởng tín dụng và nỗ lực tái cấu trúc nâng cao hiệu quả danh mục tín dụng. Ngân hàng này cũng thừa nhận chi phí lãi tăng do tập trung vào công tác huy động nhằm tuân thủ tỷ lệ an toàn thanh khoản tốt hơn (theo Thông tư 22/2019 kể từ ngày 31/12/2021) trong bối cảnh chi phí huy động vốn trong nước và quốc tế có xu hướng tăng cao.
Thu nhập dịch vụ tăng 13,4%, tạo ra 4.304 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong khi mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng mạnh hơn 80%, giúp VietinBank ghi nhận khoản lãi thuần 2.440 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh khác mang về khoản lãi thuần 5.227 tỷ đồng, gần 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III, các hoạt động này tạo 2.238 tỷ đồng, gấp 6,1 lần quý III/2021. VietinBank cho biết, lãi thuần mảng này tăng đột biến do thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý và thu hồi nợ xử lý rủi ro.
Ở chiều ngược lại, hai mảng liên quan đến chứng khoán là chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều đi lùi khi lỗ lần lượt lỗ 80 tỷ và hơn 106 tỷ sau 9 tháng. Trong khi cùng kỳ năm trước lãi 255 tỷ và 144 tỷ đồng. Riêng quý III, VietinBank lỗ 136 tỷ trong mảng chứng khoán kinh doanh và 105 tỷ trong mảng chứng khoán đầu tư.
Theo thuyết minh, các khoản lỗ chủ yếu đến từ chi phí mua bán chứng khoán và chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán.
Tính chung các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank trong 9 tháng đầu năm đạt 47.335 tỷ, tăng 20,6%. Riêng quý III, tổng thu nhập hoạt động đạt 17.324 tỷ, tăng 41,4%. Sau khi trừ chi phí hoạt động, ngân hàng lãi thuần 12.477 tỷ đồng trong quý III (tăng 44,9%) và 34.395 tỷ trong 9 tháng (tăng 23,2%).
Trong quý vừa qua, ngân hàng đã tăng gấp rưỡi chi phí dự phòng rủi ro lên 8.321 tỷ đồng, qua đó đưa tổng mức trích lập 9 tháng lên 18.630 tỷ đồng, cao hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo VietinBank, chi phí dự phòng tăng mạnh do ngân hàng chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định của NHNN để chủ động các phương án xử lý nợ.
Chi phí dự phòng của VietinBank tiếp tục tăng đặc biệt là quý III trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, tổng dư nợ xấu nội bảng của VietinBank đã tăng thêm 3.351 tỷ trong 9 tháng đầu năm, lên 17.652 tỷ đồng tại thời điểm 30/9. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 12.414 tỷ, gấp 2,38 lần mức ghi nhận hồi đầu năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,1% lên hơn 1,245 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,26% tại thời điểm cuối năm trước lên 1,42%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% lên 222%.
Tiền gửi khách hàng tăng 2,4% đạt gần 1,190 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,7% lên 236.347 tỷ đồng và chiếm 19,9% tổng tiền gửi khách hàng. Tiền gửi có kỳ hạn tăng 1,9%, đạt hơn 946.390 tỷ đồng.
Nhịp sống Thị trường
Trả lời