(Chinhphu.vn) – Hai tổ công tác của Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với các địa phương tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Công tác GPMB, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường hiện vẫn…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Thời gian kiểm tra, làm việc của các tổ công tác từ ngày 3 đến 7/7.
Tổ công tác số 1 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì vừa có cuộc kiểm tra thực tế tại công trường dự án cao tốc qua địa bàn Bình Định ngày 5/7.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85 cho hay, các dự án cao tốc đang ở giai đoạn đầu thi công nền móng nên cần tập trung đất, cát san lấp.
Trong đó, cao tốc đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn cần đến hơn 8,3 triệu m3 (khối) đất đắp, được quy hoạch 14 mỏ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 9 mỏ đất trong quy hoạch và 1 mỏ mở rộng đáp ứng đủ nhu cầu đất đắp cho dự án cao tốc thành phần này.
Về vật liệu cát, 2 dự án cao tốc thành phần qua Bình Định (Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh) cần hơn 1 triệu khối, đã được quy hoạch đủ các mỏ. Tuy nhiên, các mỏ cát phần lớn đều có công suất thấp. Tổng công suất khai thác cho phép khoảng 249.300 khối/năm nên không đảm bảo đủ thi công nền đường khu vực xử lý nền đất yếu và thi công các hạng mục bê tông xi măng trong 2 năm đầu dự án.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, đường ven biển nên nguồn cung cát càng khan hiếm thời gian tới.
Hiện, Ban QLDA 85 đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với ngành chức năng Bình Định để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình UBND tỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời, thỏa thuận với các chủ đất về bồi thường, hỗ trợ thuê đất…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, vướng mắc lớn hiện nay là trình tự thủ tục chuyển đổi đất rừng. Các đơn vị phải nộp tiền cho Quỹ Phát triển rừng của Bộ NN&PTNT, sau đó chọn được diện tích rừng trồng thay thế mới có thể triển khai các bước về chuyển đổi mục đích. Quy trình mất nhiều thời gian nên cần sớm triển khai, nộp tiền và kiến nghị Trung ương có cơ chế cho nộp tiền ký quỹ trước.
“Báo cáo sẽ không chung chung, mà phải cụ thể, chi tiết từng điểm mỏ, dự án, vướng mắc gì, khó khăn ra sao. Sau đợt kiểm tra này, không dự án nào, nhà thầu nào đổ lỗi do thiếu vật liệu, khó khăn về cơ chế chính sách. Tuyệt đối không để tình trạng khan hiếm vật liệu do chậm trễ trình tự hồ sơ, đặc biệt thủ tục chuyển đổi mục đích rừng…”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông mà không phải lập lại dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) như các địa phương ĐBSCL (theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ).
Trực tiếp kiểm tra công tác vật liệu hiện trường dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận nỗ lực bước đầu của các đơn vị. Hiện, các đơn vị mới đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình UBND tỉnh, địa phương. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải rốt ráo trong việc trình hồ sơ, không để bị động vì bước cấp phép kéo dài, gây khan hiếm vật liệu, ảnh hưởng tiến độ triển khai cao tốc.
Thứ trưởng cho biết, tất cả các vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương, dự án, Ban QLDA 85 và 2 tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo chi tiết để Bộ GTVT trình Chính phủ.
Tổ công tác số 2 do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng cũng đã có buổi làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long về nguồn vật liệu cát đắp nền cho cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau.
Khu vực ĐBSCL đã khởi công 2 dự án cao tốc trục ngang và trục dọc là cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật liệu cát đắp nền đường đang khiến dự án có nguy cơ vỡ tiến độ.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của đoạn Cần Thơ-Cà Mau khoảng 18,5 triệu khối và tập trung chủ yếu vào năm 2023 và 2024. Mặc dù đã khởi công 6 tháng, nhưng sản lượng thi công dự án này chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, rất chậm so với kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến, đào bốc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu giới thiệu mỏ cát để thực hiện các thủ tục khai thác, đồng thời bố trí được 1,471 triệu khối cát để cung cấp cho dự án.
Theo đại diện các địa phương, khó khăn chung hiện nay liên quan đến các thủ tục mở mỏ mới. Từ đó, các tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn để áp dụng chung cho các địa phương đúng theo quy định, đặc biệt là về thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, việc khai thác cát cần phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp. Ban QLDA Mỹ Thuận có trách nhiệm phối hợp với tỉnh An Giang hoàn thiện các thủ tục, pháp lý, để tiếp tục cung cấp 2,2 triệu khối còn lại trong tháng 7 này.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các thủ tục nâng công suất mỏ đang khai thác lên 50% để cung cấp ngay cho dự án trong khi các mỏ mới chưa hoàn thành thủ tục khai thác.
Còn với 6 mỏ địa phương giới thiệu, các nhà thầu căn cứ vào các bước thực hiện thủ tục mở mỏ mới, chủ động làm các thủ tục có liên quan đến trách nhiệm nhà thầu. Việc này càng sớm càng tốt, làm cơ sở cho Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh cho phép các đơn vị triển khai thực hiện việc khai thác cát.
Phía Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản chấp thuận 2 mỏ đã được Sở TN&MT đề xuất để các nhà thầu triển khai thủ tục, sớm thông qua chủ trương giao tiếp 3 mỏ để cấp đủ trữ lượng cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phan Trang