Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) vừa ban hành Nghị quyết về việc góp vốn mở công ty chuyên về kinh doanh sách, báo, tạp chí. Cụ thể, theo Nghị quyết HĐQT, Tập đoàn Thiên Long sẽ góp 25 tỷ đồng, tương đương với 25% vốn điều…
Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) vừa ban hành Nghị quyết về việc góp vốn mở công ty chuyên về kinh doanh sách, báo, tạp chí.
Cụ thể, theo Nghị quyết HĐQT, Tập đoàn Thiên Long sẽ góp 25 tỷ đồng, tương đương với 25% vốn điều lệ để thành lập Công ty CP Pega Holdings để kinh doanh sách, báo, tạp chí.
Trước đó, vào ngày 4/10, Thiên Long cũng đã có quyết định tăng vốn đầu tư ra nước ngoài cho dự án Flexoffice Pte. Ltd, với tổng vốn góp tăng thêm là 500.000 USD. Qua đó, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 1.314.402 USD.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Thiên Long cũng thông báo sẽ góp thêm 50 tỷ đồng vào công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Thiên Long với mục đích đảm bảo nguồn vốn để mở rộng dự án sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới. Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của Nam Thiên Long sẽ tăng lên 650 tỷ đồng, do Thiên Long sở hữu 100%.
Về kết quả kinh doanh, mới đây, Thiên Long đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022, với doanh thu thuần đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng 58%, đóng góp vào 24% tổng doanh thu cho tập đoàn.
Biên lãi gộp ở mức 44,1% và biên lãi thuần đạt 15,7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 41,4% và 9,8%. Kết quả, đơn vị này đã thu về 396 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 137% so với 8 tháng năm 2021. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của “ông lớn” ngành văn phòng phẩm này. Như vậy, sau 8 tháng, Tập đoàn đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu vượt 41,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tháng 8 vừa qua, tập đoàn đã đẩy mạnh truyền thông dòng sản phẩm mới, đồng thời khởi động chiến dịch tái định vị thương hiệu. Do vậy, chi phí bán hàng và quản lý được ghi nhận tăng dần và chiếm 25,4% doanh thu 8 tháng, cao hơn mức 24,7% trong 7 tháng đầu năm.
Tính tới ngày 30/06/2022, tổng tài sản của Thiên Long ghi nhận hơn 2.732 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là tài sản ngắn hạn (2.149 tỷ đồng), chiếm khoảng 78,6%. Khoản mục hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 713,6 tỷ. Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cuối kỳ là gần 484 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối quý II là hơn 756,5 tỷ đồng, tăng gần 22% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm gần 737 tỷ đồng, tăng 27,5% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của Thiên Long là 1.975 tỷ với 261,9 tỷ quỹ đầu tư phát triển và 574,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong năm 2022, Thiên Long sẽ chú trọng hơn vào việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm STEAM, DIY mang thương hiệu Thiên Long, không chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam, mà còn định hướng xuất khẩu cho các thị trường chính ở Đông Nam Á và Thế giới.
Nhằm mục tiêu gia tăng sản lượng và tối ưu hiệu quả đầu tư, đầu năm nay Tập đoàn đã khởi động dự án mở rộng nhà máy Thiên Long Long Thành để gia tăng năng lực sản xuất. Tổng diện tích xây dựng khoảng 10.000 m2 với giá trị đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. Việc xây dựng dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022.
Kết quả kinh doanh tích cực không thể giúp cổ phiếu TLG miễn nhiễm với đà giảm chung của thị trường chứng khoán. Theo đó, cổ phiếu TLG bắt đầu rớt mạnh từ 68.500 đồng/cp (từ giữa tháng 9/2022) xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/cp (04/10).
Thiên Long hiện đang nắm giữ 60% thị phần bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu. Sản phẩm của Thiên Long đã có mặt ở 67 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, “ông lớn” ngành văn phòng phẩm này cũng triển khai “lồng ghép” các sản phẩm vệ sinh như gel rửa tay khô, xà phòng tiện lợi, làm quà tặng đính kèm trong các gói combo cho học sinh – sinh viên. Các sản phẩm này sử dụng màu sắc và hương thơm tự nhiên, bảo đảm an toàn vệ sinh cho trẻ.
Trong báo cáo cập nhập doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng mới đây, công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) kì vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Thiên Long lần lượt đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021 và 527 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.
BSC nhận định, động lực tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ: Nhu cầu nội địa và xuất khẩu phục hồi trên mức nền thấp của 2021; Biên lợi nhuận gộp tăng từ 42,2% (2021) lên 44,6% (2022) do Cơ cấu lại danh mục sản phẩm giúp giá bán trung bình tăng 5% so với cùng kỳ và tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ từ cuối 2021 và xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu.
Bước sang năm 2023, BSC kỳ vọng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Thiên Long sẽ lần lượt đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 21% và 625 tỷ đồng, tăng 19%, tương đương EPS năm 2023 là 6.293 đồng. Dựa trên những giả định sau:
Thứ nhất, dự án nâng công suất nhà máy Thiên Long Long Thành giúp tăng hơn 60% công suất hiện tại của Thiên Long đáp ứng được nhu cầu OEM và phát triển các sản phẩm mới có biên lợi nhuận tốt hơn trong giai đoạn 2023 – 2027. Trong đó: Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối 2022 đến đầu 2023 sẽ hoạt động, xấp xỉ 33% công suất nâng cấp, tương ứng với sản lượng kinh doanh tăng 20%; Giai đoạn 2 của dự án mở rộng sẽ được triển khai dựa theo nhu cầu các đơn đặt hàng OEM và khả năng hấp thụ của sản phẩm mới đến năm 2027.
Thứ hai, biên lợi nhuận gộp gia tăng từ 44,6% lên 45,1% nhờ: xu hướng giảm giá nguyên vật liệu trong khi công ty hướng tới phân khúc cao hơn cải hiện giá bán trung bình các sản phẩm và hiệu quả của việc tái cấu trúc kênh bán hàng và kích cầu nhờ đẩy mạnh hoạt đông marketing.
Mặc dù vậy, chuyên gia của BSC cũng chỉ ra những rủi ro Thiên Long có thể sẽ gặp phải như: Biến động về giá nguyên vật liệu đầu vào và Dư địa tăng trưởng của ngành bút viết và học cụ không còn nhiều.
Theo Cafef
Trả lời