Nhìn trên bức tranh tổng thể, theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, trước ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới, mức tăng trưởng 8% của Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ. Hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra.
Tương tự, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như không có sự thay đổi. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do vùng này phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.
Lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Ảnh: PHAN ĐẠT |
Ở khía cạnh khác, Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 cũng cho thấy, khu vực này đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình khu vực này đã thấp hơn so với cả nước. Tăng trưởng đầu tư tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện. |
Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng. Ngành Nông nghiệp hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 nghìn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung bình (3%). Thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản…
“Kết quả nghiên cứu Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đã khẳng định một thông điệp quan trọng: “Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Tin, ảnh: THÚY AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.