Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì phiên họp. |
Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã-tăng hơn 2.000 hợp tác xã, tương ứng 7% so với năm 2021 và 125 Liên hiệp Hợp tác xã (tăng 18 đơn vị-khoảng 17% so với năm 2021) cùng 71.000 tổ hợp tác. Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021. So với năm 2021, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng, tăng 35%; lãi bình quân đạt 366 triệu đồng/hợp tác xã (tăng 152 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%).
Riêng trong quý I năm 2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 29.909.
Tại phiên họp, các ý kiến đề nghị Ban chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2023. Tăng cường công tác truyền thông về phát triển bằng nhiều hình thức đa dạng; Tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2023. Ngoài ra, tổ chức khảo sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò cũng như sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể thời gian qua. “Kinh tế tập thể hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; nguồn lực triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả; do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động của Ban chỉ đạo trong 2 năm vừa qua chưa được thường xuyên, liên tục…
Quang cảnh phiên họp. |
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trong năm 2023, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, cùng với những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ các công việc, các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua.
Tin, ảnh: VŨ DUNG